Giảm lãi suất cho vay: Cần nhưng chưa đủ

(PLO)- Trong bối cảnh doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thiếu tài sản bảo đảm thì lãi suất cho vay có giảm xuống thấp hơn nữa, doanh nghiệp cũng không đủ điều kiện vay vốn.

Vừa qua, các tổ chức tín dụng đã tích cực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Trong nhóm Big4, Agribank vừa có bảy lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Lãi suất các khoản cho vay thông thường phát sinh mới giảm từ 2-4%/năm so với đầu năm. Điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3% đối với khách hàng là pháp nhân vay vốn với mục đích kinh doanh bất động sản gặp khó khăn. Điều chỉnh giảm tối thiểu 0,5% lãi suất cho các khách hàng hiện có dư nợ trung dài hạn bằng VND tại Agribank.

Để cung ứng nguồn vốn dồi dào cho khách hàng thực hiện các dự án, hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế, từ nay đến hết 30-9-2023, BIDV áp dụng lãi suất ưu đãi ngắn hạn dành cho cả khách hàng mới và khách hàng hiện hữu khi vay phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh.

Theo đó, lãi suất vay chỉ từ 6,8%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 7,8%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng…

Tuy nhiên theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng: Chỉ đơn thuần giảm lãi suất cho vay không phải là vấn đề cốt lõi hiện nay. Bởi mặc dù các ngân hàng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện vay vốn, khi mà thiếu tài sản bảo đảm không đủ, kinh doanh thua lỗ…

Hơn nữa, ngân hàng sẽ không cho vay bằng mọi giá vì phải đảm bảo các tiêu chuẩn và quy định pháp luật, cũng như đảm bảo an toàn hệ thống.

Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, ngành ngân hàng đã và đang triển khai các chương trình cơ cấu nợ, giãn, hoãn nợ cho các doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khả năng hấp thụ tín dụng của doanh nghiệp đang yếu, việc nghiên cứu các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là hết sức cần thiết. Trong đó cần có sự vào quyết liệt từ phía các bộ, ngành và địa phương để nâng cao hiệu quả của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa và Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới