Hành động quyết đoán, kịp thời của Ngân hàng Nhà nước trong việc hạ lãi suất điều hành được kỳ vọng sẽ giúp giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Sau hai lần liên tiếp tăng tổng lãi suất điều hành lên 2% vào cuối năm 2022, mới đây Ngân hàng (NH) Nhà nước đã giảm một loạt lãi suất điều hành từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm.
Trong suốt thời gian dài vừa qua, doanh nghiệp đối mặt với việc kinh doanh khó khăn do lực cầu thị trường suy yếu. Mặt khác, lãi suất cao dẫn đến chi phí hàng hóa tăng mạnh càng khó bán được hàng. Nhiều doanh nghiệp, người dân cũng không dám vay vốn làm ăn vì lợi nhuận có được cũng không đủ bù đắp lãi vay, dù cho thời điểm này room tín dụng tại các NH đang dồi dào.
Tổng cục Thống kê cho biết trong hai tháng đầu năm 2023, cả nước có 37.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động, giảm đến 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 51.400 doanh nghiệp, tăng 14,5% so với cùng kỳ.
Môi trường lãi suất cao ngấm vào nền kinh tế, ảnh hưởng đến từng người dân và doanh nghiệp. Bằng chứng mới đây nhất, ngay tại nền kinh tế mạnh nhất thế giới mà một NH đứng trong top 16 nước Mỹ đã phải phá sản cũng vì lãi suất quá cao khiến giá trị trái phiếu đầu tư sụt giảm, gây lỗ và mất thanh khoản.
Vì vậy, kéo giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và phục vụ tăng trưởng kinh tế là thực sự cần thiết và quan trọng. Vì sự chậm trễ giảm lãi suất sẽ để lại những hệ quả khó đoán cho nền kinh tế và sức khỏe của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để việc giảm lãi suất có tác động tích cực lan tỏa, đi vào thực chất, theo các chuyên gia, NH Nhà nước phải có những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng NH. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa cần phải được thúc đẩy nhanh để tạo sự cộng hưởng với chính sách tiền tệ để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp và người dân hiện nay.
Đơn cử, hai mục tiêu chính giải ngân đầu tư công và gói hỗ trợ lãi suất hàng chục ngàn tỉ đồng cần triển khai nhanh vào thực tế thông qua việc giảm đi các rào cản thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc.
Bản thân các NH đẩy mạnh cơ cấu lại, tiết giảm chi phí, tăng cường quản lý rủi ro, qua đó có điều kiện giảm lãi suất trên diện rộng. Có như vậy, khi chính sách chuyển động hài hòa, hợp lý mới kỳ vọng tạo ra những sức bật mạnh mẽ cho nền kinh tế.