Chiều 10-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018.
Theo báo cáo, giai đoạn 2012-2018, ngân sách nhà nước bố trí hơn 47.400 tỉ đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Kinh phí từ ngân sách địa phương gần 8.400 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, cho rằng trong lúc nền kinh tế còn gặp khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước vẫn dành một phần lớn kinh phí để giúp người dân thoát nghèo. Phải khẳng định nhờ các chương trình trên, nhiều nơi đã khởi sắc. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng sắp tới cần đầu tư có trọng tâm hơn. Trong đó, cần xác định các nhóm vùng dân tộc thiểu số nghèo nhất để lựa chọn đầu tư và giúp người dân thoát nghèo nhanh nhất.
Tỉ lệ tái nghèo cao
“Qua thực tế giám sát, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các bộ, ngành trung ương (Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban Dân tộc) đã phát hiện ra các sai phạm trong thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Chương trình 30a) và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 (Chương trình 135) ở một số địa phương, phải xử lý thu hồi nộp ngân sách nhà nước 14,447 tỉ đồng” - ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thông tin.
Theo ông Hà Ngọc Chiến, các chính sách đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, khoảng 25.000 công trình hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Tuy nhiên, chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết tỉ lệ hộ vùng dân tộc thiểu số tái nghèo, phát sinh nghèo, hộ cận nghèo cao. Thu nhập bình quân đầu người/năm của hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số thấp hơn thu nhập bình quân đầu người cả nước và có sự chênh lệch tương đối lớn giữa các nhóm vùng dân tộc thiểu số.
Theo ông Hà Ngọc Chiến, công tác quản lý, sử dụng kinh phí ở một số địa phương còn sai sót. Cụ thể, kết quả của Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2012-2015, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 102 tỉ đồng. Giai đoạn 2016-2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 141 tỉ đồng…
“Bên cạnh đó, nhiều chương trình, dự án, địa phương thực hiện chất lượng kém, không hiệu quả, thậm chí lãng phí, thất thoát gây dư luận trong nhân dân. Một số vi phạm bị phát hiện nhưng chậm xử lý và mức độ chưa đủ sức răn đe...” - ông Chiến nói.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến, Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày báo cáo kết quả giám sát. Ảnh: TTXVN
Chính sách còn chậm, lạc hậu
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định những mục tiêu đặt ra cho việc thực hiện giảm nghèo bền vững vùng đồng bào vùng dân tộc thiểu số những năm qua đạt kết quả hết sức tích cực.
Tuy nhiên, một số văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chậm ban hành, sửa đổi, bổ sung đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành và tiến độ xây dựng, bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn các tỉnh. “Nhiều cuộc giám sát trước chỉ ra chính sách thường chậm so với thực tế, chính sách thường lạc hậu so với yêu cầu cuộc sống” - ông Phùng Quốc Hiển nêu rõ.
Về tổ chức thực hiện, ông cho rằng dù nguồn lực khó khăn nhưng kỷ luật tài chính vẫn lỏng lẻo. Chẳng hạn, kết quả Kiểm toán Nhà nước thì sai phạm giai đoạn sau lại cao hơn giai đoạn trước. Nên cần quan tâm công tác kiểm tra, giám sát và xác định trách nhiệm của các bộ, ngành.
Nói về nguyên nhân, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng do chương trình giảm nghèo được lồng ghép trong nhiều chính sách nhưng việc ban hành văn bản rất chậm, chưa ban hành kịp. Cùng đó là chất lượng ban hành văn bản “cũng có vấn đề” khi lồng ghép chính sách và phối hợp liên ngành chưa đảm bảo, nhiều chính sách manh mún, dàn trải, chưa khả thi. Đặc biệt, có chính sách hợp với vùng này nhưng không hợp với vùng khác, tuy nhiên vẫn áp dụng chung, định mức thấp và quy trình ban hành chính sách không khả thi, nhất là việc chưa lấy ý kiến của địa phương, nơi hưởng thụ chính sách.
Giai đoạn 2016-2018, tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 5,23% (năm 2018), bình quân giảm 1,55%/năm, tương ứng giảm một triệu hộ dân, đạt mục tiêu đề ra (giảm 1%-1,5%/năm) |
Hỗ trợ liệu đã đúng, trúng chưa
Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện, cho rằng báo cáo giám sát đề cập đến năm khó khăn nhất của vùng dân tộc thiểu số, đó là điều kiện tự nhiên, chất lượng nguồn nhân lực, kinh tế-xã hội phát triển chậm, tiếp cận các dịch vụ phúc lợi cơ bản kém và tỉ lệ hộ nghèo cao. “Trong đó, đáng chú ý là khó khăn tiếp cận các dịch vụ phúc lợi cơ bản. Điều này khiến chúng ta phải đặt câu hỏi với những chính sách hỗ trợ trên liệu đã đúng, trúng chưa. Tôi rất băn khoăn về điều này” - bà Hải nói.
Trưởng ban Dân nguyện cũng chỉ ra nguyên nhân khách quan được nêu trong báo cáo chỉ năm dòng nhưng nguyên nhân chủ quan dài 2,5 trang. Như vậy chủ yếu do con người nên cần đánh giá rõ vì sao...
“Phần trách nhiệm tất cả đều chỉ ra việc chậm ban hành văn bản, tham mưu cho Chính phủ của Ủy ban Dân tộc, Bộ LĐ-TB&XH, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư. Tôi đề nghị phải phân tích, đánh giá việc chậm trên ảnh hưởng như thế nào đến kết quả đạt được…” - bà Hải nhấn mạnh.
Bà Hải mong muốn kết quả giám sát lần này sẽ nâng cao công tác xóa đói giảm nghèo, thu hẹp sự chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng với tiêu chí “miền núi tiến kịp miền xuôi”. “Tôi mong sẽ không còn cảnh trẻ em học ở các trường tạm bợ, chênh lệch với trẻ em thành phố…” - bà Hải xúc động nói.