Mới đây, trang Asian Review đăng tải bài phân tích cho thấy Trung Quốc đang bắt đầu thay đổi thái độ khiêu khích của mình trên quần đảo Senkaku. Các quan chức Nhật Bản cũng đang cố gắng tìm ra lí do đằng sau sự thay đổi này.
Giảm khiêu khích trên biển Hoa Đông
Tần số các tàu Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư, hiện do chính phủ Nhật Bản quản lý, ngày càng giảm.
Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng cộng có 40 tàu Trung Quốc đã được phát hiện ở các vùng biển xung quanh, trung bình là 6,6 tàu mỗi tháng. Con số tương ứng với các năm trước là 94 và 15.6 tàu.
Thời gian hiện diện của các tàu Trung Quốc cũng giảm xuống, từ hơn 4 giờ trong năm ngoái đã giảm xuống còn 2 – 3 giờ kể từ mùa xuân năm nay.
Theo ghi nhận của Tokyo, trong năm 2013, các tàu Trung Quốc thường xuyên cố gắng chèn ép và cắt ngang đường đi của các tàu tuần tra của Nhật Bản để thực thi các hành động “chấp pháp”. Tuy nhiên, gần đây, các hoạt động này đã giảm đáng kể.
Một Trung Quốc “khó chơi” hơn
Mặc dù có những sự thay đổi mang tính “giảm căng thẳng”, nhưng Trung Quốc vẫn không chịu thay đổi lập trường của mình trên quần đảo Senkaku.
Trung Quốc vẫn tiếp tục yêu cầu Nhật Bản chấp nhận thực tế rằng đang có tranh chấp song phương về chủ quyền đối với quần đảo trên. Bắc Kinh xem đây là điều kiện tiền đề cho việc tổ chức một cuộc gặp gỡ cấp cao giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Cơ quan phụ trách về an ninh của chính phủ Nhật Bản cho biết, Trung Quốc nới lỏng các hành động khiêu khích bởi cộng đồng quốc tế đã “nhòm ngó” đến những động thái của Trung Quốc đã và đang diễn ra tại khu vực.
Trung Quốc đang ý thức việc giảm xuất hiện tại Senkaku/Điếu Ngư để giảm chỉ trích từ Trung Quốc. (Ảnh minh họa)
Người Trung Quốc đang lo ngại rằng họ sẽ phải chịu những lời chỉ trích mạnh mẽ từ quốc tế nếu căng thẳng tại quần đảo này tăng lên. Để tránh điều này, Bắc Kinh đã bớt khiêu khích nhưng vẫn tiếp tục lặng lẽ xâm nhập vào vùng lãnh hải Nhật Bản.
Động thái mới của Trung Quốc có thể được gọi là chiến thuật “xúc xích cắt lát” - được vạch ra để đạt được mục tiêu bằng cách chia vấn đề thành những phần nhỏ như những lát xúc xích để giải quyết. Bắc Kinh đã chuyển sang cách tiếp cận này vì tin rằng Trung Quốc sẽ ở thế cao và mạnh hơn khi các tranh chấp trở thành một trò chơi dài hơi.
Những thay đổi từ cách tiếp cận của Bắc Kinh được ví như con dao 2 lưỡi đối với Nhật Bản. “Trung Quốc dần nhận ra sự cô lập mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế nếu cứ tiếp tục kích động khủng hoảng tại khu vực quần đảo Senkaku”, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản phát biểu.
“Tuy nhiên, một Trung Quốc sẽ trở nên khó đối phó hơn nếu nước này kiềm chế được hành động khiêu khích của mình và chọn cách tiếp cận vấn đề một cách bình tĩnh”, vị quan chức trên nói them.
Trung Quốc sẽ đẩy Hoa Đông thành Biển Đông?
Những gì đang diễn ra tại biển Đông cho thấy một tương lai mà tranh chấp tại Senkaku/Điếu Ngư có thể gặp phải.
Tháng 5/2014 Trung Quốc đã bắt đầu triển khai hoạt động thăm dò dầu khí tại quần đảo Hoàng Sa và chỉ rút đi vào giữa tháng 7 sau khi vấp phải sự chỉ trích và làn sóng biểu tình giận dữ từ Việt Nam cũng như điều kiện về thời tiết trên biển Đông.
Tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc cũng tiếp tục leo thang. Nếu tình hình biển Đông tiếp tục căng thẳng, Trung Quốc có thể sẽ cử thêm nhiều tàu tuần tra đến khu vực này và giảm số lượng các tàu xung quanh quần đảo Senkaku.
Gần 2 năm đã trôi qua kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hoá quần đảo Senkaku/Điếu ngư vào tháng 9 năm 2012, Nhật Bản vẫn chưa thể cảm thấy nhẹ nhõm về vấn đề ở quần đảo Senkaku/Điếu ngư mặc dù số lượng các tàu Trung Quốc xâm nhập vào khu vực trên đã giảm.