Sự đối kháng trên biển Đông ngày càng hiện rõ hơn giữa Trung Quốc (TQ) và một nhóm các quốc gia khác bao gồm cả Mỹ, Philippines và Nhật. Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 27 tại Myanmar gần đây đã cho thấy rõ những bất đồng đó.
Khó đoán trước hành động của TQ
Những căng thẳng gần đây trong khu vực được gây ra bởi các hành động tự mãn của TQ. Không chỉ ngăn cản các tàu tiếp tế của Philippines vào bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh còn tiến hành cải tạo các bãi đá ngầm để xây dựng cơ sở vật chất.
Đỉnh điểm của các hành động mang tính khiêu khích đó là việc TQ ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này ngay sau đó đã vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, Nhật và một số nước phương Tây.
Sau khi Hải Dương 981 bất chấp dư luận và sự chỉ trích của thế giới không lâu, TQ đã cho rút giàn khoan. Nhiều chuyên gia phương Tây đánh giá đây là động thái “lùi một bước” của TQ vì phản ứng rất mạnh từ phía Việt Nam, trong đó có cả yếu tố thời tiết (bão trên biển Đông) cũng không ủng hộ chính quyền Bắc Kinh.
Tuy khó thực hiện nhưng ý nghĩa lớn nhất mà kế hoạch “đóng băng” đem lại là kêu gọi các quốc gia tranh chấp tự nguyện chấp nhận không gia tăng các hành động khiêu khích. Ảnh minh họa: AP
Mỹ ngay lập tức “vỗ tay” vì hành động “biết phải quấy” của TQ - rút giàn khoan nhằm giảm nhiệt ở biển Đông. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một dấu hiệu rõ ràng và chắc chắn nào cho thấy TQ sẽ không “tái diễn” những hành động gây hấn và ngang ngược. Lý do này dẫn đến sự va chạm giữa những nhân vật cộm cán của Mỹ và chính quyền Bắc Kinh liên tục xảy ra trong thời gian gần đây.
Nhìn sang tranh chấp giữa TQ và Nhật trên biển Hoa Đông, một điều lạ lùng là trong những tháng gần đây, tần số các tàu TQ xâm nhập vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày càng giảm.
Thống kê cho thấy các năm trước đây, cứ sáu tháng có đến 94 chiếc thuyền, tàu TQ đã được phát hiện ở các vùng biển xung quanh Senkaku/Điếu Ngư, trong khi con số đó trong sáu tháng đầu năm chỉ còn 40 với thời lượng cũng giảm đi đáng kể.
Không loại trừ trường hợp TQ cắt giảm lực lượng nhằm “giảm nhiệt” Hoa Đông, chuyển lượng “nhiệt” đó sang biển Đông vào bất kỳ thời gian nào nước này thấy có lợi. Chính một quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Nhật phát biểu: “Một TQ sẽ trở nên khó đối phó hơn nếu nước này kiềm chế được hành động khiêu khích của mình và chọn cách tiếp cận vấn đề một cách bình tĩnh”. Nghĩa là một (hoặc nhiều) giàn khoan mới hay bất kỳ động thái nào tương tự cũng có thể xuất hiện trên biển Đông.
“Đóng băng”: Một kế hoạch hoàn hảo?
Chính quyền Obama từ nhiều tháng qua, đặc biệt sau sự kiện TQ “làm mưa làm gió” ở bãi cạn Scarborough, vốn được “người anh em” của Mỹ là Philippines tuyên bố chủ quyền, đã bị nhiều nhà phê bình chỉ trích là “nhu nhược”, thiếu “tiếng nói” trước một “con hổ” TQ có tham vọng và ngày càng “phình to” về mặt thực địa.
Sự chỉ trích tăng lên nhiều lần khi giàn khoan Hải Dương 981 tiếp tục đẩy căng thẳng tại khu vực biển Đông lên mức nóng bỏng tột độ, bất chấp Mỹ động viên hay đe dọa. Cho đến khi TQ rút giàn khoan, dấu ấn của người Mỹ vẫn chưa thuyết phục và chiến lược “xoay trục” của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương càng bị nghi ngờ tính khả thi và mức hiệu quả.
Thế nên việc Washington tham dự diễn đàn ARF 27 với tư cách là một nước có lợi ích liên quan trong khu vực, đặc biệt trên biển Đông, là cơ hội để Mỹ đưa ra một giải pháp, ít nhất trong ngắn hạn nhằm hạn chế tối đa sự manh động của “con hổ” TQ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đề xuất với các nước có tranh chấp liên quan cùng nhau thực hiện kế hoạch “đóng băng” (freeze plan) các hành động khiêu khích.
Kế hoạch của ông Kerry sau đó đã được ông Michael Fuchs - phó trợ lý ngoại trưởng tại Vụ Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương trình bày một cách cụ thể trong một cuộc đối thoại gần đây về biển Đông và chính sách của Mỹ.
Theo đó, kế hoạch “đóng băng” gồm ba bước. Thứ nhất, không thiết lập thêm các tiền đồn mới, điều đã được nêu rõ trong Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Thứ hai, đưa ra định nghĩa thế nào là hành động mang tính khiêu khích tại các tiền đồn hiện có. Các hoạt động bảo dưỡng định kỳ có thể được chấp nhận nhưng cải tạo đất và thay đổi các cấu trúc cơ bản bị cấm. Cuối cùng, các bên không được đơn phương chống lại các hoạt động thực thi kinh tế trong khu vực tranh chấp.
Nhiều chuyên gia nhận định kế hoạch của ông Kerry được cho là mang tính thực dụng, thực tế, sử dụng tối thiểu nguồn lực về con người và kinh tế, giảm những chi phí xuất phát từ các thiệt hại do va chạm không cần thiết.
Ý tưởng của ông Kerry ngay sau đó đã nhận được sự hưởng ứng một cách rõ ràng từ Philippines. Nhật cũng ngầm bày tỏ sự ủng hộ đối với một đề xuất giữ nguyên hiện trạng biển Đông của Mỹ. Nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc “pháp quyền”, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Fumio Kishida phản đối việc sử dụng vũ lực và cưỡng chế. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng khi giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.
Tại hội nghị tham vấn cấp bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ-Úc (AUSMIN) mở ra vào ngày 12-8 vừa qua ở Sydney, Mỹ và Úc lên tiếng phản đối các hành vi dùng vũ lực để làm thay đổi hiện trạng ở biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi các bên tranh chấp “tự nguyện đóng băng” một số hoạt động có nguy cơ làm căng thẳng leo thang.
Không dễ dàng như người Mỹ tưởng tượng
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất khiến đề xuất của Mỹ dường như đã “thất bại” chính là việc Mỹ đưa ra kế hoạch “đóng băng” dựa trên một giả định sai lầm rằng: “Các nước trên biển Đông đều quan tâm đến sự hòa dịu”. Bằng chứng là thời gian qua, khái niệm “hòa dịu” chưa khi nào được thể hiện trong các động thái của TQ tại khu vực tranh chấp.
Đó là chưa kể TQ, vốn không công nhận vai trò và lợi ích của Mỹ tại khu vực tranh chấp, sẽ khó có thể “gật đầu” với đề xuất từ phía Mỹ đưa ra, nhất là khi lâu nay chưa có tiền lệ TQ chịu nhượng bộ Mỹ tại biển Đông.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói với tờ The Wall Street Journal rằng TQ không thể từ chối kế hoạch đó bởi là tích cực, có tính xây dựng và toàn diện.
Nhưng nhận định của ông Albert del Rosario chưa thể hiện sự linh nghiệm. Ngay sau khi Mỹ đề xuất “đóng băng” biển Đông, TQ lập tức tuyên bố bác bỏ. Người phát ngôn của Bắc Kinh nói: “Quần đảo Trường Sa là lãnh thổ trên thực chất của TQ và những gì TQ làm hoặc không làm là quyền của chính phủ TQ”. Hãng tin Tân Hoa xã của TQ cũng chỉ trích đề xuất của Mỹ là “không mang tính xây dựng”.
Ngoại trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị đồng thời đưa ra các phát biểu tương tự: “TQ sẵn sàng lắng nghe những đề xuất được dự định trên biển Đông từ tất cả các bên. Tuy nhiên, những đề nghị đó cần phải khách quan, công bằng và mang tính xây dựng, chứ không phải tạo thêm những vấn đề mới hoặc được thúc đẩy bởi động cơ mập mờ”.
Bắc Kinh muốn chứng tỏ "trên cơ"
Điều này có thể được lý giải bởi sự tăng lên trong nhận thức của giới lãnh đạo TQ về sức mạnh quốc gia và những khó khăn mà Mỹ đang gặp phải về kinh tế, chính trị, uy tín quốc tế trong suốt thời gian qua.
Bắc Kinh thừa biết họ “trên cơ” tất cả các bên có tranh chấp trong khu vực về thực lực kinh tế, quân sự. Đồng thời biết rằng Washington không thực sự sẵn sàng can thiệp quân sự. Nước Mỹ đang thực sự bận rộn với chiến dịch không kích tại Iraq cũng như tình hình chiến sự tại Ukraine và các bước đi của Nga tại châu Âu.
việc TQ cho rằng kế hoạch này là nhằm trực tiếp vào Bắc Kinh chắc chắn sẽ cản trở con đường biến nó trở thành hiện thực.
ĐẠI THẮNG - DUY LINH
___________________________
Bài viết tham khảo: Cigionline, The Wall Street Journal