ASEAN VÀ CÁC ĐỐI TÁC ĐỐI THOẠI

Mỹ và ASEAN cần quản lý căng thẳng ở biển Đông

Ngày 9-8, hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các đối tác đối thoại cùng với hội nghị ASEAN+3 đã diễn ra ở thủ đô Naypyitaw (Myanmar) trong khuôn khổ hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47.

Hãng tin GMA News (Philippines) đưa tin tại hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc (TQ), Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario đã đề xuất kế hoạch hành động gồm ba giai đoạn để giải quyết vấn đề biển Đông:

Trong giai đoạn hiện nay, ASEAN phải kêu gọi chấm dứt các hoạt động leo thang căng thẳng ở biển Đông theo Điều 5 Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

 Về trung hạn, ASEAN và TQ phải tiếp tục hợp tác để thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC đồng thời thúc đẩy hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ và các nước ASEAN chụp ảnh lưu niệm ở thủ đô Nay pyi taw (Myanmar) ngày 9-8. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO MỸ

 Ở giai đoạn cuối cùng, các tranh chấp cần được giải quyết thông qua phân xử trọng tài quốc tế để mang lại giải pháp bền vững phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển.

Báo Wall Street Journal (Mỹ) đưa tin phát biểu với báo chí sau hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị tuyên bố TQ không chấp nhận kế hoạch hành động ba giai đoạn về vấn đề biển Đông.

Ông cho rằng đề xuất của Philippines gây cản trở cho các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp đang diễn ra. Ông nói nếu Philippines muốn thực hiện đề xuất thì phải rút lại vụ kiện TQ ra tòa án trọng tài quốc tế vì đây là giai đoạn thứ ba trong đề xuất của Phillippines.

Ông khăng khăng cho rằng biển Đông đang ổn định và Bắc Kinh luôn hành xử kiềm chế.

Tại hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ghi nhận Mỹ đang hợp tác với ASEAN để duy trì hòa bình và ổn định ở các vùng biển quan trọng trong khu vực.

Trang web Bộ Ngoại giao Mỹ đưa tin Ngoại trưởng John Kerry nói: “Chúng ta cần hợp tác cùng nhau để quản lý các căng thẳng ở biển Đông theo phương thức hòa bình và dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế”.

Ông nhấn mạnh những gì xảy ra ở biển Đông không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Mỹ mà còn với các nước trên thế giới muốn thấy Đông Nam Á tiếp tục phát triển dựa trên các quy tắc của luật pháp quốc tế. Đó là lý do tại sao Mỹ khuyến khích các bên tranh chấp tự nguyện đồng ý kiềm chế một số hành động gây leo thang và làm phức tạp thêm tranh chấp.

Ông John Kerry nhấn mạnh Mỹ và ASEAN có trách nhiệm chung để bảo đảm an toàn hàng hải ở các tuyến đường biển và cảng biển quốc tế quan trọng.

Trong khi đó, hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 (Nhật, TQ, Hàn Quốc) đã thảo luận về CHDCND Triều Tiên, căng thẳng ở biển Đông và các biện pháp thúc đẩy trao đổi trong khu vực.

Hãng tin Kyodo (Nhật) cho biết một số bộ trưởng đã đề cập đến đề nghị của TQ về thành lập ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng mới ở châu Á. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida nhận định châu Á đã có Ngân hàng Phát triển châu Á và không cần ngân hàng nào khác tương tự nữa.

LÊ LINH

Hãng tin Reuters ngày 9-8 dẫn lời Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết tại hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hôm 8-8, các bộ trưởng không thảo luận đề xuất của Mỹ về đóng băng các hành động khiêu khích ở biển Đông. Ông giải thích vì theo thỏa thuận DOC, ASEAN và TQ đã cam kết kiềm chế hành động khiêu khích ở biển Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm