Phía sau việc Trung Quốc bất ngờ “muốn” đàm phán COC?

Theo tờ Channel News Asia,  hôm 8/8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh đang chờ đợi ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), giúp kiểm soát và ngăn chặn căng thẳng leo thang tại vùng biển này.

Tuyên bố trên được ông Vương đưa ra bên lề cuộc họp Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN được tổ chức tại Nay Pyi Taw, Myanmar. Trước đó, Bắc Kinh đã liên tiếp vấp phải sự chỉ trích làm chậm tiến trình thông qua COC. 

Ông Vương lại cho rằng trước tiên, bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vốn được các bên ký kết vào năm 2002 cần được thi hành một cách có hiệu quả và hiệu lực. Bộ trưởng Trung Quốc cũng đề xuất tăng cường mối quan hệ hợp tác hàng hải giữa Trung Quốc và ASEAN. Tuy nhiên, diễn biến trước đó thì chính Trung Quốc là bên vi phạm, bỏ qua tuyên bố DOC (mà Trung Quốc là một bên tham gia), thậm chí gia tăng các hành động gây mất ổn định ở Biển Đông đồng thời trì hoãn đàm phán COC. Động thái này của Trung Quốc khiến cho không ít người ngỡ ngàng. Vậy đằng sau câu chuyện Trung Quốc bất ngờ thay đổi thái độ là gì?

PV Infonet đã có cuộc phỏng vấn TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban Biên giới xung quanh động thái này.

Phía sau việc Trung Quốc bất ngờ “muốn” đàm phán COC? ảnh 1
TS Trần Công Trục: "Trung Quốc có thể dùng đây như một quân bài để họ tỏ ra thiện chí nhưng trong thực tế thì họ có thể dùng cái đó làm bình phong, lá chắn cho tất cả những hoạt động sai trái của họ trên Biển Đông"

Thưa ông, vấn đề Biển Đông theo ông có được đặt ra trong cuộc họp cấp cao ASEAN với Hoa Kỳ và Trung Quốc này không?

Theo tôi được biết, trong cuộc họp cấp cao ASEAN với Hoa Kỳ và Trung Quốc, vấn đề Biển Đông sẽ được nêu ra, trong đó có yêu cầu các bên hành động cần tuân thủ Công ước Luật biển, không được làm thay đổi hiện trạng... Bên cạnh đó, Hội nghị ASEAN cũng sẽ đề cập đến xúc tiến việc tham vấn nội dung COC.

Vấn đề là chúng ta hãy chờ xem các ý kiến trong Hội nghị đó có đưa ra được nghị quyết về Biển Đông không và nghị quyết đó được cụ thể hóa đến mức độ nào; nguyện vọng của các nước sau sự kiện giàn khoan của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam sẽ được cụ thể hóa ra làm sao... Theo tôi, có thể sẽ có những cụ thể hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở những tuyên bố có tính chất nguyên tắc như trước đây.

Sau khi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam có ý kiến cho rằng đây là lúc Biển Đông lặng sóng. Vậy quan điểm của ông như thế nào?

Tôi cho rằng mong muốn Biển Đông lặng sóng là nguyện vọng tha thiết không chỉ của các nước ASEAN mà còn là của dư luận yêu hòa bình trên toàn thế giới.

Nhưng vấn đề nó có “lặng sóng” hay không, thực chất hành động rút giàn khoan về là gì, chúng ta hãy nhìn vào chiến lược của Trung Quốc với yêu sách về đường lưỡi bò. Trên thực tế, họ đã cố tình làm mọi cách để có thể hiện thực hóa yêu sách đó. Cho nên, đây chỉ là những động thái mang tính chất tình thế.

Có thể có khả năng do thời tiết như Trung Quốc từng nói nhưng có nhiều khả năng cho rằng đây là thành quả của một cuộc đấu tranh, mà Trung Quốc không thể nào làm ngơ. Và tôi nghiêng nhiều hơn về sức mạnh đấu tranh đó. Nếu như Trung Quốc càng tiếp tục thì chắc chắn họ càng bị cô lập. Càng ngày bản chất của họ càng bị phơi bày trên dư luận quốc tế và càng ngày họ càng bị cô lập và sẽ đẩy Việt Nam và một số nước trong khu vực sẽ có những bước đi để bảo vệ lợi ích của mình. Vậy thì rõ ràng Trung Quốc phải nghĩ lại và đặc biệt nếu như họ tiếp tục thì những hội nghị tiếp theo của ASEAN chắc chắn không thể làm ngơ cho hành động đó của Trung Quốc cho nên Trung Quốc quyết định rút giàn khoan sớm để tính những bước đi mới của mình.

Nói một cách bóng gió, hành động rút giàn khoan là một sự im lặng trước một cơn bão chứ không phải một sự im lặng lâu dài và biểu hiện của những cơn bão đó là Trung Quốc đang huy động 9.000 tàu đánh cá tràn vào Biển Đông với những hướng dẫn bằng vệ tinh rất hiện đại. Đây là một biện pháp cực kỳ nguy hiểm, là hành động cướp bóc tài nguyên trắng trợn mà đối phó cực kỳ khó khăn. Hiện nay, Trung Quốc đang rục rịch đóng thêm giàn khoan rồi di chuyển xuống Biển Đông để tiếp tục thăm dò, khoan ở độ sâu 3.000 mét. Rồi vần còn đó Gạc Ma với tất cả những công trình được xây dựng và đường băng càng ngày càng được củng cố hơn nữa, lớn hơn nữa.

Tất cả những cái đó không phải biểu hiện cho sự im lặng như tờ như chúng ta nghĩ mà đấy là dấu hiện của những cơn bão mà chúng ta phải lường trước rằng nó còn nguy hiểm hơn thời gian vừa rồi.

Như vậy là ở Hội nghị này theo ông chúng ta vẫn nên tiếp tục lên án mạnh mẽ “yêu sách đường lưỡi bò” phi lý?

Đương nhiên, không chỉ ở Hội nghị mà chúng ta còn tiếp tục cuộc đấu tranh và chúng ta không bao giờ chấp nhận con đường phi lý này. Nếu muốn giải quyết vấn đề Biển Đông thì yêu sách về đường lưỡi bò phải được bãi bỏ và phải quay lại các tiêu chuẩn về Công ước Luật biển trong việc đưa ra hướng giải quyết các vấn đề mà các bên có thể ngồi lại với nhau.

Còn vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì rõ ràng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam và chúng ta cần tiếp tục đấu tranh bảo vệ bằng được chủ quyền đó. Đối với quần đảo Hoàng Sa, chúng ta không nên bỏ qua bất kỳ một động thái nào của Trung Quốc đối với quần đảo này. Bởi, nếu chúng ta im lặng là rơi vào tình trạng pháp lý mặc nhiên thừa nhận. Còn đối với quần đảo Trường Sa chúng ta phải tiếp tục đấu tranh, các động thái Trung Quốc mở rộng củng cố là điều phi lý.

Phía sau việc Trung Quốc bất ngờ “muốn” đàm phán COC? ảnh 2
Các nước ASEAN cần yêu cầu Trung Quốc xóa bỏ đường lưỡi bò phi lý

Ông có nhận định gì khi Trung Quốc bất ngờ đề xuất đẩy mạnh đàm phán COC? Ông có nghĩ, họ sẽ lại tiếp tục bước qua như đã làm với DOC, thời gian vừa qua?

COC hay DOC thường là tuyên bố về thái độ của các bên, và thường có tính chất chính trị nhiều. Người ta hi vọng COC có thể trở thành một Bộ quy tắc ứng xử nhưng nếu đã có bộ quy tắc có nghĩa là đã thiết lập cơ chế trong việc giải quyết các tranh chấp. Giải quyết ở đâu, phạm vi như thế nào là cần phải xử lý chứ không phải một cách chung chung toàn bộ Biển Đông được.

Mặt khác, nó cũng mang tính chất khu vực giữa ASEAN với Trung Quốc chứ không mang tính chất toàn cầu. Công ước Luật biển năm 1982 với tất cả định chế của nó là mang tính toàn cầu và các nước thành viên phải dùng nó để giải quyết một cách hòa bình tất cả những mâu thuẫn, tranh chấp. Những thành viên nào không chấp hành chúng ta phải có ý kiến để bảo vệ thành quả đó. Đây là chuyện mà chúng ta phải làm và đó mới là cái cơ bản.

DOC cũng chỉ là một tuyên bố mang tính chất chính trị và nguyên tắc. Và cuối cùng thì Trung Quốc không thi hành cái đó mặc dù chúng ta cố gắng kêu gọi. Còn COC đến lúc nào có thể ký được với nhau là một điều hết sức xa vời. Như vậy có thể là lúc này lúc nọ, Trung Quốc có thể dùng đây như một quân bài để họ tỏ ra  thiện chí nhưng trong thực tế thì họ có thể dùng cái đó làm bình phong, lá chắn cho tất cả những hoạt động sai trái của họ trên Biển Đông.

Xin cảm ơn ông!

Theo Hồng Chuyên- Lại Hà/Infonet (thực hiện)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm