Giám sát việc thí điểm khu thương mại tự do Đà Nẵng để giảm rủi ro

(PLO)- Đi đôi với thí điểm chính thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng sao cho phù hợp với thực tế của Việt Nam thì sẽ kèm theo kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tối đa các rủi ro.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm qua (31-5), Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Tại phiên thảo luận tổ, đa số ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình với việc cần thiết có thêm những cơ chế, chính sách đặc thù cho “TP đáng sống nhất” cả nước này, trong đó có việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng. Từ đó, nhằm phát huy tốt nhất các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Giám sát việc thí điểm khu thương mại tự do Đà Nẵng để giảm rủi ro
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: TN

Kiến nghị thành lập khu thương mại, tài chính tự do Đà Nẵng

Tán thành về chủ trương thí điểm thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng nhưng đại biểu (ĐB) Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đề nghị cần nghiên cứu thật kỹ và có đề án riêng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và đặc biệt, cần rõ ràng về cơ chế, chính sách. “Đề xuất chung chung như dự thảo thì khó khả thi, nếu vội vàng đưa chung vào dự thảo này thì có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp” - ĐB tỉnh Quảng Trị lo ngại.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (đoàn Quảng Ninh) cho rằng không nên cầu toàn, nếu chờ đề án riêng thì biết đến bao giờ mới có được mô hình mới này. Ông dẫn chứng khu thương mại tự do Thượng Hải thành lập từ năm 2013 tới nay vẫn đang thí điểm và đã qua sáu lần điều chỉnh, từ 28 km2 ban đầu, tới nay đã mở rộng thành 200 km2 và được đánh giá rất thành công.

Còn ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) lại đề nghị thành lập khu thương mại, tài chính tự do Đà Nẵng thay vì khu thương mại tự do như trong dự thảo. Theo bà, hiện Đà Nẵng đang rất nỗ lực thực hiện mục tiêu là vươn lên thành một trung tâm kinh tế năng động của khu vực miền Trung, nếu thành lập khu thương mại, tài chính tự do ở Đà Nẵng thì đây sẽ là bước đi chiến lược để thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững của TP.

“Việc kết hợp giữa thương mại và tài chính trong cùng một khu vực tự do sẽ tạo ra một môi trường giao dịch linh hoạt, thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điều này giúp giảm thiểu chi phí giao dịch và thời gian xử lý, từ đó thúc đẩy nguồn vốn đầu tư vào Đà Nẵng tốt hơn” - bà Nga nhấn mạnh.

la-thanh-tan-hai-phong.jpg
Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐB Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) cũng cho biết hiện nay rất nhiều quốc gia lân cận Việt Nam đã phát triển thành công mô hình khu thương mại tự do như Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đơn cử, các khu thương mại tự do ở Trung Quốc năm 2022 đã đóng góp tới 18,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (giá trị khoảng 30,7 tỉ USD).

Theo ĐB, với tiềm năng của Đà Nẵng hiện nay thì việc cân nhắc lựa chọn mô hình đô thị kinh doanh tích hợp với ba khu chức năng chính gồm sản xuất, hậu cần cảng - logistics; thương mại - dịch vụ là phù hợp.

“Khu thương mại tự do Đà Nẵng cần được áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm tiền thuê đất và các ưu đãi khác như khu kinh tế…” - ĐB Tân nói và kiến nghị với các chính sách chưa rõ nhưng thông lệ quốc tế đang áp dụng và trong tầm kiểm soát thì cho áp dụng thí điểm gắn với kiểm tra, giám sát cụ thể.

thi-diem-khu-thuong-mai-tu-do-da-nang-nguyen-van-quang.jpg
Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 31-5. Ảnh: TN

Nếu thành công sẽ nhân rộng

Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết sau một thời gian dài phát triển, Bộ Chính trị xác định trong Nghị quyết 43, Nghị quyết 26 là Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm của vùng và cả nước, thậm chí là phát triển trở thành một TP đạt đẳng cấp quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, vừa qua khi tổng kết năm năm thực hiện thì rất nhiều chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết 43 đặt ra Đà Nẵng đều không đạt được.

“Nếu không có những cơ chế đột phá, đặc thù, Đà Nẵng sẽ không đạt được mục tiêu mà nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương đã đặt ra” - ông Quảng nhìn nhận và cho biết TP đang hướng vào phát triển xanh, phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, triển khai những chính sách mới trong thu hút đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Quảng cũng cho biết dự thảo nghị quyết gồm 30 chính sách, trong đó có 25 chính sách cơ bản được tiếp thu, hoàn thiện từ các chính sách của các địa phương khác, có phát triển, bổ sung và đánh giá rút kinh nghiệm sau quá trình thực hiện để phù hợp với thực tiễn.

Đặc biệt, trong năm chính sách mới có hai chính sách rất đáng quan tâm. Theo đó, Đà Nẵng đã mạnh dạn đề xuất, được Bộ Chính trị đồng ý, đang đưa vào nghị quyết là thí điểm thành lập khu thương mại tự do.

Theo ông Quảng, đây là một trong những đột phá và cũng là dám nghĩ, dám làm trong thử nghiệm một mô hình đã được thế giới khẳng định nhưng chưa có tiền lệ, chưa có thực tiễn ở Việt Nam. “Chúng tôi xác định việc này có rủi ro nhưng vẫn chấp nhận làm. Nếu thành công thì đây sẽ là nền tảng nhân rộng cho cả nước, còn rủi ro thì TP sẽ gánh chịu” - ông chia sẻ.

Chính sách mới thứ hai là Đà Nẵng hướng tới việc thu hút nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, trọng tâm là hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao, các lĩnh vực như thiết kế chip bán dẫn và AI… Từ đó, tạo cơ chế để thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Intel, Qualcomm, Ampere, ARM… vào đầu tư.

“Hiện các nhà đầu tư lớn đã đặt vấn đề, chỉ chờ cơ chế, chính sách này là đầu tư vào Đà Nẵng” - ông nói và cho hay TP đã xây dựng chính sách để tự chủ nguồn lực của TP và huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Giám sát việc thí điểm khu thương mại tự do Đà Nẵng để giảm rủi ro
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QH

Tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do

Trước đó, trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết có chín chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị, 21 chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng. Đặc biệt có năm chính sách đề xuất mới theo thực tế của TP, trong đó có thí điểm thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Theo bộ trưởng Bộ KH&ĐT, đây là mô hình kinh tế phổ biến đã có trên 150 quốc gia nhưng pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định về việc thành lập, hoạt động đối với khu thương mại tự do. Hiện Việt Nam cũng đã từng bước tiếp cận tới mô hình kinh tế này thông qua việc phát triển những mô hình tương tự có quy mô nhỏ hơn như khu chế xuất, khu phi thuế quan, cửa hàng miễn thuế… nhằm tiến tới thành lập khu thương mại tự do ở Việt Nam để hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.

Ông Dũng cho biết bên cạnh việc thí điểm chính sách tại khu thương mại tự do Đà Nẵng phù hợp với điều kiện thể chế Việt Nam thì sẽ kèm theo kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tối đa các rủi ro có thể gặp phải trong thực tiễn triển khai các chính sách về sau.

“Việc phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng nhằm tạo động lực phát triển mới, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP, phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ” - ông Dũng nhấn mạnh và khẳng định đây là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.

Nghệ An sẽ có thêm một phó chủ tịch tỉnh

Cũng trong ngày 31-5, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An với 14 chính sách cụ thể.

Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất cho UBND tỉnh Nghệ An có năm phó chủ tịch, tăng một so với các địa phương khác; tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn miền tây Nghệ An.

Ngoài ra, UBND tỉnh Nghệ An được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỉ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I; thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP) đối với các dự án thể thao và văn hóa...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm