Thời gian thực hiện các thủ tục nhà, đất được rút ngắn, người dân đăng ký biến động nhà, đất chỉ cần tới văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) quận/huyện… - đó là những nội dung đáng chú ý trong Nghị định 01/2017 vừa được ban hành, có hiệu lực từ ngày 3-3-2017. Nghị định này sửa đổi, bổ sung ba nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 được ban hành trong năm 2014, gồm Nghị định 43, 44 và 47.
Có thủ tục giảm hơn một nửa thời gian
Trong 16 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định tại Điều 61 Nghị định 43, có tới 10 thủ tục được giảm thời gian giải quyết từ ba đến 15 ngày theo nghị định mới. Chẳng hạn, việc đăng ký cấp giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng từ không quá 30 ngày thì nay giảm xuống còn 15 ngày. Cấp lại giấy chứng nhận, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng bị mất từ 30 ngày xuống còn 10 ngày.
Việc cấp lại giấy chứng nhận, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng bị mất từ không quá 30 ngày được giảm xuống còn 10 ngày. (Cụ thể xin xem bảng dưới đây)
Cán bộ đang hướng dẫn người dân làm thủ tục hồ sơ nhà, đất tại quận 12 (TP.HCM). Ảnh: VIỆT HOA
Đăng ký biến động nhà đất: Không phải lên Sở TN&MT
Nghị định 01 quy định đối với các địa phương đã thành lập VPĐKĐĐ (như TP.HCM) thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể có thể cho phép Sở TN&MT được ủy quyền cho VPĐKĐĐ cấp giấy chứng nhận cho trường hợp đăng ký biến động (sau khi người dân giao dịch nhà, đất như mua bán, chuyển nhượng, tặng cho…). Đồng thời cũng ủy quyền cho đơn vị này cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.
Riêng những trường hợp có biến động nhưng người dân không chọn cách cập nhật lên trang 4 thì vẫn sẽ chuyển lên VPĐKĐĐ TP.HCM nhưng không phải qua Sở TN&MT ký nữa. Như vậy sẽ giảm được một cấp và giảm được thời gian thực hiện.
Trước đây quận/huyện thực hiện cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân và việc cấp đổi, đăng ký biến động nhà, đất. Do Luật Đất đai 2013 tổ chức lại hệ thống VPĐKĐĐ một cấp nên hiện nay việc cấp giấy chứng nhận lần đầu do quận, huyện thực hiện. Còn thẩm quyền cấp giấy sau khi có biến động nhà, đất như mua bán, chuyển nhượng… là của Sở TN&MT. Theo Sở TN&MT TP, trong thời gian đầu thực hiện thủ tục này đã xảy ra quá tải, mỗi tháng bình quân Sở TN&MT phải giải quyết tới 9.000 hồ sơ. Thời gian sau này còn khoảng 4.000 hồ sơ/tháng.