Nóng trong tuần

Giảm tiền BHXH 1 lần: Hãy nghĩ đến quyền lợi của người lao động!

(PLO)- Bạn đọc cho rằng nếu lương hưu bảo đảm được đời sống và có chính sách hỗ trợ người lao động lúc khó khăn sẽ hạn chế việc rút BHXH.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua, những bài viết Đề xuất giảm mức hưởng BHXH 1 lần, BHXH Việt Nam nói gì?”, “Chưa đến tuổi hưu, chỉ rút được BHXH 1 lần 8%?” đã thu hút được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Nhiều bạn đọc cho rằng với đề xuất giảm mức hưởng BHXH khi người trẻ có yêu cầu hưởng BHXH một lần nên cân nhắc vì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động (NLĐ). Đồng thời, một số bạn đọc cũng đưa ra góp ý giảm tình trạng người rút BHXH một lần để hướng đến an sinh xã hội.

Đừng để người lao động thiệt thòi

Bạn đọc Thanh Hoàng bình luận: “Đa phần những người rút BHXH một lần có thu nhập thấp, lương không đủ sống, không có tích lũy. Đặc biệt, những công nhân gặp khó khăn khi vay ngân hàng nên phần lớn họ luôn nghĩ đến tiền BHXH một lần để trang trải cuộc sống. Lúc túng thiếu thì dù mức hưởng BHXH một lần thấp bao nhiêu NLĐ cũng sẽ rút. Nếu mức hưởng BHXH một lần giảm xuống sẽ làm NLĐ đã khó khăn lại càng thiệt thòi hơn. Vì thế, không nên giảm quyền lợi của NLĐ trong những lúc khó khăn”.

Người lao động đến cơ quan BHXH TP.HCM làm thủ tục liên quan đến chế độ BHXH. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Người lao động đến cơ quan BHXH TP.HCM làm thủ tục liên quan đến chế độ BHXH.
Ảnh: NGUYỄN HIỀN

“Khi xây dựng những chính sách BHXH, các cơ quan chức năng cần phải nhìn vào bản chất vấn đề, không nên nhìn vào quyền lợi của NLĐ mà đánh vào. Một điều thực tế cần nhìn nhận là hiện nay tiền đóng vào Quỹ BHXH dù được chia hai phần là phần người sử dụng lao động đóng và phần đóng góp của NLĐ. Thế nhưng, đó đều là tiền từ công sức của NLĐ. Do đó, việc NLĐ có quyền quyết định rút tiền đã đóng hay để lại quỹ là phải dựa vào sự đồng thuận của họ” - bạn đọc Nguyễn Việt nêu ý kiến.

Hỗ trợ và tăng quyền lợi cho NLĐ

Bạn đọc Hải Triều chia sẻ: “Để hạn chế NLĐ rời khỏi mạng lưới an sinh, cần phải có sự thấu hiểu nguyên nhân NLĐ muốn rút một lần tiền BHXH và cần đưa ra giải pháp từ gốc chứ không thể áp dụng các biện pháp cứng rắn hạn chế hay cấm đoán. Để Quỹ BHXH thực sự là chỗ dựa an sinh cho tất cả NLĐ, cơ quan chức năng cần tính phương án hỗ trợ trong lúc họ thật sự khó khăn. Chẳng hạn nên giải quyết cho NLĐ nhận trợ cấp một lần. Và nếu khi họ muốn quay lại tham gia BHXH thì được đóng trở lại kèm lãi phát sinh nếu họ đến tuổi hưu nhưng lại thiếu năm đóng. Tôi nghĩ điều này sẽ khả thi và nhận được sự đồng thuận cao từ NLĐ hơn là giảm mức hưởng khi rút BHXH một lần”.

“Hiện tiền NLĐ đóng góp vào Quỹ BHXH sẽ được cơ quan quản lý mang đi đầu tư, gửi tiết kiệm lấy lãi suất. Do đó, ngành BHXH nên xem xét đến phương án cho NLĐ đã đóng BHXH vay chính số tiền họ muốn rút để trang trải cuộc sống trong những lúc khó khăn. Có như thế thì NLĐ sẽ không còn rút BHXH một lần và khi về già họ không còn là gánh nặng của người thân và xã hội vì họ đã có lương hưu” - bạn đọc Hạnh Nguyễn nêu ý kiến.

Bạn đọc Phan Hưng góp ý: “Sao cứ nghĩ đến phương án giảm quyền lợi của NLĐ mà không tính đến việc tăng quyền lợi để NLĐ không rút một lần. Ví dụ như tăng mức hưởng lương hưu khi NLĐ nghỉ hưu. Giảm số năm đóng để NLĐ đến tuổi nghỉ hưu có cơ hội được nhận lương hưu. Ngành BHXH nên có nhiều trợ giúp cho NLĐ khi họ rời thị trường lao động, gặp khó khăn về kinh tế mà không phải nhận BHXH một lần nhằm đảm bảo an sinh khi về già”.

Mức đóng và mức hưởng BHXH một lần

Chế độ hưởng BHXH một lần hiện hành cho NLĐ chưa đến tuổi nghỉ hưu được xây dựng trên cơ sở tổng mức đóng Quỹ BHXH của NLĐ là 8% và người sử dụng lao động là 14% lương hằng tháng trong thời gian tham gia Quỹ BHXH.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật BHXH, mức hưởng BHXH một lần tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: NLĐ sẽ được nhận 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; nhận hai tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng nhưng tối đa không quá hai tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

BHXH TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm