Trong đơn ly hôn gửi TAND TP Bến Tre, chị Tr. trình bày rằng chị và anh H. kết hôn năm 2012, có đăng ký kết hôn tại UBND phường 5. Sau đó hai người chung sống hạnh phúc và có một con chung sinh năm 2014. Rồi dần dần vợ chồng phát sinh mâu thuẫn. Từ đầu năm 2015, do không muốn sống chung với mẹ chồng, chị Tr. bồng con thơ dọn ra nhà trọ sinh sống.
Không phải cứ con dưới 36 tháng tuổi là mẹ được nuôi
Trong khi đó, anh H. không chịu sống ở nhà trọ nên có khi 10 ngày, nửa tháng anh cũng không ra thăm vợ con. Theo chị Tr., chị tìm hiểu thì biết chuyện anh H. đã quen người phụ nữ khác. Do muốn hàn gắn tình cảm vợ chồng nên tháng 3-2015 chị giao con chung cho anh H. nuôi để có sự gần gũi cha con, còn chị trở về nhà mẹ ruột sống.
Sau đó hai người đã có quãng thời gian cố gắng hàn gắn nhưng không thành. Giờ chị Tr. thấy tình cảm vợ chồng không còn nữa nên yêu cầu ly hôn, đồng thời yêu cầu được nuôi con chung. Do chị buôn bán quần áo, vải vóc mỗi tháng kiếm được hơn chục triệu đồng, đủ điều kiện nuôi con nên không cần anh H. cấp dưỡng.
Làm việc với tòa, anh H. đồng ý ly hôn nhưng yêu cầu được nuôi con chung mà không cần chị Tr. cấp dưỡng.
Xử sơ thẩm, TAND TP Bến Tre đã chấp nhận yêu cầu ly hôn của chị Tr. Tòa còn căn cứ vào khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 để tuyên chị Tr. được quyền nuôi con chung dưới 36 tháng tuổi, anh H. không phải cấp dưỡng.
Anh H. kháng cáo, cho rằng anh cũng có thu nhập ổn định mỗi tháng hơn chục triệu đồng, đủ sức nuôi con. Quan trọng hơn, từ khi đứa con sinh ra đến nay, cháu đã gần ba tuổi và đều do anh trực tiếp nuôi dưỡng. Cháu đã quen với môi trường sống cũng như cách chăm sóc, giáo dục của anh cùng gia đình bên nội. Nếu giao cháu cho chị Tr. nuôi sẽ làm thay đổi điều này và ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của cháu.
Xử phúc thẩm mới đây, TAND tỉnh Bến Tre nhận định lúc đầu chị Tr. bồng cháu bé ra ở trọ, sau do biết anh H. quen người phụ nữ khác nên đầu tháng 3-2015 chị chủ động giao con cho anh H. nuôi để anh H. có phần trách nhiệm chăm sóc con cái (lúc đó cháu bé chỉ mới bốn tháng 21 ngày tuổi). Và cháu bé đã được anh H. cùng gia đình bên nội chăm sóc, nuôi dưỡng từ ngày đó. Đã hơn hai năm nay, dù cháu bé không sống bên mẹ nhưng vẫn được anh H. cùng gia đình bên nội chăm sóc. Hiện cháu phát triển tốt. Việc tòa sơ thẩm căn cứ vào khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 để giao con dưới 36 tháng tuổi cho mẹ nuôi là chưa phù hợp.
Theo tòa phúc thẩm, việc tiếp tục để cháu bé cho anh H. nuôi là phù hợp nhằm giúp cháu phát triển ổn định về sức khỏe cũng như tâm sinh lý. Từ đó tòa phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của anh H.
Đủ điều kiện kinh tế nên được nuôi cả ba con chung
Trong một vụ khác, chị T. và anh N. cưới nhau năm 2007, có đăng ký kết hôn tại UBND xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, Bến Tre. Quá trình chung sống, hai người có ba con chung, lớn nhất sinh năm 2008, nhỏ nhất sinh năm 2013.
Theo chị T., đến năm 2014 thì vợ chồng phát sinh mâu thuẫn do anh N. thường xuyên nhậu nhẹt, bỏ bê chuyện nhà. Hai người ly thân từ đó.
Trong khi đó, anh N. lại trình bày rằng nguyên nhân mâu thuẫn vợ chồng là do chị T. tự ý bỏ về bên nhà mẹ vợ, không quan tâm gia đình, vợ chồng bất đồng quan điểm. Nay chị T. yêu cầu ly hôn thì anh đồng ý nhưng anh yêu cầu được nuôi cả ba con chung mà không cần chị T. cấp dưỡng.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Bình Đại đã tuyên chấp nhận cho hai người ly hôn, đồng thời tuyên chị T. được quyền nuôi đứa con út, anh N. được quyền nuôi hai cháu lớn. Anh N. kháng cáo, yêu cầu được quyền nuôi luôn cả con út.
Mới đây, TAND tỉnh Bến Tre xử phúc thẩm đã phân tích: Theo biên bản hỏi ý kiến con trên bảy tuổi, cháu lớn trình bày là cháu muốn sống với cha vì mẹ bỏ đi làm, không lo cho con. Mặt khác, cháu cũng muốn được sống cùng với hai em. Ngoài ra, chứng cứ mà anh N. cung cấp là anh có nhà ở ổn định, có quyền sử dụng đất gần 2 ha và anh đang nuôi sò trên phần đất này, thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, đủ khả năng nuôi các con.
Trong khi đó, chị T. cho biết chị đang ở nhờ bên mẹ ruột cùng với ông dượng. Hằng ngày chị trồng trọt, buôn bán rau vườn, thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 2 triệu đồng. Mặt khác, trong biên bản của phiên tòa sơ thẩm, anh N. cho rằng điều kiện nuôi con của chị T. chưa được đảm bảo.
Theo tòa phúc thẩm, xét theo mong muốn của cháu lớn là muốn được sống cùng các em, đồng thời xét về điều kiện nuôi con thì việc để cháu út cho anh N. nuôi là phù hợp. Từ đó tòa phúc thẩm đã tuyên chấp nhận kháng cáo của anh N.
Chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn 1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan. 2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ bảy tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. 3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. (Theo Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014) |