TAND Tối cao vừa công bố bốn án lệ đã được thông qua. Trong đó, có Án lệ số 54/2022/AL về xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp người mẹ không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục.
Nguồn án lệ dựa trên Quyết định giám đốc thẩm ngày 27-2-2019 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng về vụ án ly hôn, tranh chấp về nuôi con tại tỉnh Đắk Lắk. Nguyên đơn là chị Phạm Thị Kiều K và bị đơn là anh Nguyễn Hữu P.
Ảnh minh họa |
Chị K và anh P kết hôn tại UBND xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Sau khi kết hôn, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, chị K bỏ về nhà bố mẹ đẻ sống. Nhận thấy mâu thuẫn trầm trọng nên chị K và anh P thuận tình ly hôn.
Chị K và anh P có một con chung là cháu T (sinh năm 2016). Khi cháu T được bốn tháng tuổi, chị K bỏ về nhà bố mẹ đẻ sinh sống, để lại cháu T cho anh P nuôi dưỡng. Nay, anh, chị cùng đề nghị xin được nuôi con chung, chị K yêu cầu anh P cấp dưỡng tiền nuôi con còn anh P không yêu cầu chị K cấp dưỡng.
Xử sơ thẩm ngày 5-3-2018, TAND huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk tuyên công nhận sự thuận tình ly hôn giữa chị K và anh P. Giao cháu T cho anh P nuôi dưỡng cho đến khi cháu T đủ 18 tuổi. Về cấp dưỡng ghi nhận việc chị K tự nguyện cấp dưỡng mỗi tháng 1 triệu đồng.
Sau khi xử sơ thẩm, chị K kháng cáo xin được nuôi con chung, không yêu cầu anh P cấp dưỡng.
Xử phúc thẩm hồi tháng 6-2018, TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên chấp nhận kháng cáo, giao con cho chị K trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng (phiên tòa này xử vắng mặt anh P).
Sau đó, anh P có đơn đề nghị xem xét giám đốc thẩm.
Ngày 10-10-2018, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị đề nghị huỷ bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại. Tại phiên giám đốc thẩm, đại diện VKS thay đổi nội dung kháng nghị, đề nghị hủy án phúc thẩm, giữ nguyên án sơ thẩm.
Quyết định giám đốc thẩm ngày 27-2-2019 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng tuyên chấp nhận kháng nghị, hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên án sơ thẩm.
Nội dung án lệ
Về việc nuôi con chung: Quá trình giải quyết vụ án, chị K và anh P đều có nguyện vọng nuôi cháu T (sinh năm 2016). Khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”. Trong vụ án này, chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng, chị K tự ý về nhà bố mẹ đẻ sinh sống, bỏ lại cháu T mới được bốn tháng tuổi cho anh P nuôi dưỡng.
Tại các Biên bản xác minh cùng ngày 23-1-2018, Ban tự quản thôn và Chi hội phụ nữ thôn H, xã E, huyện K xác nhận: “Anh P nuôi dưỡng, chăm sóc cháu T rất tốt. Anh P có việc làm tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ N, thu nhập ổn định, hoàn toàn đủ điều kiện để nuôi cháu T”. Mặc dù, khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Con dưới 36 tháng tuổi phải giao cho mẹ trực tiếp nuôi...”, nhưng chị K đã không nuôi cháu T từ khi cháu được 4 tháng tuổi.
Hiện tại, cháu T đã quen với điều kiện, môi trường sống và được anh P nuôi dưỡng, chăm sóc đảm bảo trong điều kiện tốt nhất; nếu giao cháu T cho chị K nuôi dưỡng sẽ gây sự xáo trộn, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cháu. Quá trình giải quyết vụ án, tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét một cách toàn diện, tiếp tục giao cháu T cho anh P trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc là có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm giao cháu T cho chị K nuôi dưỡng là không phù hợp, chưa xem xét đầy đủ đến quyền và lợi ích hợp pháp về mọi mặt của cháu T.