"Giáo dục cần phải đào tạo ra cá tính hay tính cách chấp nhận được, nhưng chuyện đào tạo ra quá nhiều cá tính cũng hơi gay go, nhất là giáo viên không phải là người cá tính" - đó là chia sẻ của nhà văn Lê Minh Hà ngày 14-7.
Theo đó, tại buổi giao lưu nhân dịp ra mắt cuốn sách Lê Minh Hà ê a về giáo dục, nhà văn Lê Minh Hà nêu quan điểm về cuốn sách: "Tôi không làm một nghiên cứu về giáo dục, không phán xét hay bàn luận về giáo dục, tôi viết một tác phẩm văn chương, trong đó lần đầu tiên tôi biến tôi thành nhân vật chính".
Chị cũng cho rằng sản phẩm của giáo dục là con người, phải là một người bình thường. Ngoài ra, giáo dục phải cho phép con người khi đã hoàn thiện được tính cách xã hội của mình thì được quyền phát triển một cách tự do nhất tính cách cá nhân. Cái đó chúng ta gọi là cá tính.
Nhà văn Lê Minh Hà tại buổi giao lưu.
Từng bước vào nghề giáo như một cái duyên bất định, Lê Minh Hà coi trọng nghề, tận tâm tận hiến với mong mỏi dạy học trò “cách khát khao vượt ra ngoài giới hạn của những trang sách”, “khiến học sinh tự tin, dám ao ước một cái gì trước đó tưởng chừng quá phận” nhưng Lê Minh Hà biết cách tách mình ra khỏi những quan niệm cố hữu, không chìm đắm trong “ảo tưởng về cái danh làm thầy”.
Với tác phẩm của mình, chị khẳng định bản thân chưa đến tuổi để viết hồi ký, cũng không có một vị thế xã hội gì to tát đến mức nghĩ rằng mọi người muốn biết về cuộc đời mình. "Cuốn sách của tôi vì thế không có tên thể loại, nó chỉ đơn giản là câu chuyện rất là thật những ngẫm nghĩ từ đó của một đứa trẻ, của một cô gái, của một người đàn bà suốt đời ngớ ngẩn" - chị tâm sự.
Bởi vậy, chị cho hay mình chẳng ngần ngại gì khi nói về những lầm lỗi, điều mà những người viết hồi ký thường một cách có ý thức, nhiều khi cũng là vô thức họ tìm cách gạt đi, bởi với chị "Tại sao ta phải lẩn tránh sự thật, bởi vì có ai mà không lầm lỗi?".