ĐÓNG GÓP CHO DỰ THẢO QUY CHẾ THI VÀ TUYỂN SINH NĂM 2011:

Bộ GD-ĐT không thể là hiệu trưởng tất cả ĐH

Theo một quan chức của Bộ và đại diện một số trường, việc thi “ba chung” (chung đề, chung đợt và chung kết quả) cần được mổ xẻ bởi có nhiều điểm bất hợp lý, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Nhiều chuyên gia cho rằng áp dụng thi “ba chung” Bộ GD&ĐT đã ôm quá nhiều việc mà lẽ ra các trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Hệ lụy của “ba chung” là sự lãng phí ngân sách của nhà nước. Song lãng phí lớn nhất là không thể làm cho môi trường giáo dục phát triển. Tất cả nhốt chung một rọ hay một kích thước ai mặc cũng vừa thì không thể phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Bộ tự làm khổ mình

Giáo sự, Tiến sĩ Trần Đức Viên, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, phân tích: Duy trì “ba chung” là Bộ tự làm khổ Bộ, tự biến mình thành một ban giám hiệu cả nước. Thầy Đinh Văn Chỉnh, Phó Hiệu trưởng trường này, cho rằng đây là năm thứ tám áp dụng, ưu-nhược “ba chung” đã hiện rõ. Vì “ba chung” mà nhiều thí sinh có học lực rất tốt, thi 24 điểm vẫn trượt (vì ngành mình đăng ký thi lấy 25 điểm). Chuyển sang ngành khác thì cũng trượt nốt vì trường đã tuyển đủ chỉ tiêu. Theo thầy Chính, đó là sự thiệt thòi cho sinh viên, nhất là sinh viên giỏi. Vì vậy, Bộ nên giao tất cả việc đó cho các trường. Trường nào đào tạo tốt tự nổi lên, còn trường nào chạy theo số lượng, chạy theo đồng tiền, không vì chất lượng sẽ tự đào thải mình. Lúc này, Bộ chỉ cần phát huy vai trò giám sát.

Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (Đà Nẵng) Trần Văn Nam cũng thừa nhận “ba chung” khiến cho lượng hồ sơ ảo tăng cao (khoảng 20%-25% là hồ sơ ảo).

Bộ GD-ĐT không thể là hiệu trưởng tất cả ĐH ảnh 1

Thí sinh căng thẳng, mệt mỏi trong kỳ thi “ba chung” hằng năm. Nhiều thí sinh điểm cao vẫn bị rớt oan do hậu quả “ba chung”. Ảnh: TỐ NHƯ

Quy chế tuyển sinh các năm qua cho phép áp dụng điểm ưu tiên theo đối tượng đối với những trường ở vùng khó tuyển sinh nhưng trường nào muốn áp dụng thì phải có đơn xin phép. Tuy nhiên, theo lời một quan chức trong ngành giáo dục, cơ chế này cũng là khe hở để một số trường mới mở tự liệt vào dạng trường được xem xét. Đây cũng là sự kéo dài cơ chế xin-cho, tạo mất công bằng trong tuyển sinh.

Quyền tự chủ của trường: Ở đâu? Đến mức nào?

Hiện nay nhiều trường đang quan tâm nhất đến vấn đề: Bộ có trao quyền tự chủ cho các trường không? Trao quyền đến đâu? Và vai trò của Bộ như thế nào trong vấn đề tự chủ này? Trao quyền tự chủ đồng nghĩa với việc trao quyền tuyển sinh cho trường. Bộ ra đề và quản lý đề thi, các trường sẽ tổ chức thi và đặt hàng từ nguồn đề thi của Bộ. Chỉ tiêu và điểm chuẩn là hai vấn đề có quan hệ mật thiết, từ chỉ tiêu để định ra điểm chuẩn. Thế nhưng Bộ đã lấy cơ sở nào để ra chỉ tiêu? Nếu giải đáp được những câu hỏi này sẽ trả lời được tại sao có hiện tượng “trường tuyển vượt nhưng lại có trường không tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí có ngành phải đóng cửa”. Mốc điểm sàn 13 điểm, Bộ đã dựa trên dự báo nào?

Việc tuyển sinh hệ vừa làm vừa học đang vướng. Nhiều doanh nghiệp nói rằng chất lượng sinh viên ra trường hệ này không đủ điều kiện để tuyển dụng. Nên chăng Bộ hãy đứng ra làm chính sách, xây dựng cơ chế để tuyển sinh cho phù hợp với nhu cầu đào tạo của xã hội.

Bộ không phải là ban giám hiệu

Việc áp dụng ba chung trong tuyển sinh có thể đỡ tốn kém vì đã dồn được thành một lần thi chung. Tuy nhiên, đó là câu chuyện cách đây tám năm, nay không phù hợp nữa bởi nhiều nguyên nhân. Bộ GD&ĐT chỉ nên là cơ quan có chức năng quản lý, xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện, thanh tra, xử lý vi phạm của các trường chứ không nên quản lý cả việc chỉ tiêu, đề thi… giống như một ban giám hiệu chung của cả nước như vậy.

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

TỐ NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm