Chuyên gia khuyến nghị giải pháp để mở cửa trường học

Liên quan đến việc các địa phương khẩn trương tìm giải pháp mở cửa trường học theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp trực tuyến toàn quốc hôm 17-10, PGS-TS Nguyễn Phương Thảo (ảnh), ĐH Quốc tế TP.HCM, nhận định: Hiện đã có nhiều khuyến nghị từ các tổ chức quốc tế, cũng như kinh nghiệm thực tiễn từ các nước về vấn đề mở cửa trường học an toàn mà Việt Nam có thể tham khảo.

Chuyên gia khuyến nghị giải pháp để mở cửa trường học ảnh 1

Những lo lắng khi mở cửa trường học

. Phóng viên: Thưa bà, hiện nhiều nước trên thế giới đã mở cửa trường học trở lại khi virus SARS-CoV-2 vẫn thường trực. Chúng ta có thể nhìn thấy những thách thức nào mà họ đang đối diện?

PGS-TS Nguyễn Phương Thảo: Nguy cơ lây nhiễm trong trường học là điều mà các nhà chức trách lo ngại nhất hiện nay. Phần lớn do học sinh (HS), giáo viên và nhân viên trường học chưa được tiêm ngừa COVID-19 đầy đủ, nhất là ở các quốc gia đang phát triển.

Bên cạnh đó, việc thực thi các biện pháp bảo vệ trong lớp học chưa đồng đều. Khi các trường tiểu học ở Đan Mạch mở cửa trở lại vào tháng 4-2020, một số phụ huynh lo lắng rằng con họ bị sử dụng làm vật thí nghiệm cho các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Ở Pháp, vào tháng 11 năm ngoái, phần lớn các thanh thiếu niên đã phản ánh rằng các biện pháp bảo vệ COVID-19 bên trong các lớp học là không đầy đủ. Có trường hợp nhiễm bệnh không được khai báo vì phụ huynh sợ phải cách ly ở nhà với con và có thể bị mất việc làm.

Những ảnh hưởng từ COVID-19 đối với trẻ em vẫn là một điều đáng lo ngại. Nghiên cứu xem xét các trường hợp trẻ em tử vong liên quan đến COVID-19 ở bảy quốc gia cho thấy có 231 trẻ em chết vì căn bệnh này trong khoảng thời gian từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021. Tại Mỹ, tính đến tháng 6-2021, đã có 471 trẻ em tử vong vì COVID-19 với các hội chứng viêm nghiêm trọng; có bằng chứng cho thấy các triệu chứng mắc COVID-19 kéo dài (long COVID) ở trẻ em. Dù tỉ lệ tử vong ở trẻ nhiễm COVID-19 rất thấp so với người lớn nhưng phụ huynh luôn trong trạng thái lo lắng.

Kiểm tra thân nhiệt học sinh khi vào trường tại TP.HCM trước đợt dịch lần thứ tư. Ảnh: HOÀNG GIANG

. Thực tế vấn đề lây nhiễm trong môi trường học đường là như thế nào?

+ Tôi nghĩ xét ở khía cạnh toàn diện thì bức tranh lạc quan hơn nhiều. Theo một số báo cáo khoa học gần đây, trường học dường như không phải là môi trường mà virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng. Một khảo sát từ 90 nghiên cứu về trẻ em nhiễm virus SARS-CoV-2 trong độ tuổi 0-19 tại Trung Quốc cho thấy nguy cơ lây nhiễm ở trẻ em trong trường học thấp hơn ngoài cộng đồng. Phần lớn trẻ nhỏ hơn 10 tuổi đến trường là an toàn, dù trẻ em lớn hơn (10-19 tuổi) vẫn có nguy cơ lây nhiễm.

Một nghiên cứu khác khảo sát 17 trường học ở vùng Wisconsin, Mỹ, tập trung vào 191 nhân viên và sinh viên nhiễm COVID-19 trong suốt thời điểm lây truyền đỉnh điểm ở khu vực đó, cho thấy chỉ có bảy trường hợp dường như bắt nguồn từ trường học.

. Với trẻ em thì lây nhiễm dường như thấp nhưng với những người tiếp xúc gần như nhân viên trường học thì nguy cơ lây nhiễm như thế nào?

+ Tôi thấy kết quả cũng tương tự, tức là mức độ lây nhiễm cũng thấp. Các nhà nghiên cứu ở Na Uy đã kiểm tra gần 300 trường hợp tiếp xúc gần 13 HS dương tính với COVID-19 tại các trường học. Kết quả là chỉ 0,9% trẻ em và 1,7% người lớn có tiếp xúc nhiễm virus. Ở Salt Lake City (Mỹ), các nhà nghiên cứu đã xét nghiệm COVID-19 cho hơn 1.000 HS và nhân viên tiếp xúc gần với 51 HS dương tính với COVID-19 và kết luận tỉ lệ lây nhiễm chỉ 0,7%. Điều này cho thấy HS nhiễm virus ít có xu hướng lây lan ở trường học.

Những giải pháp mở cửa

. Đâu là những giải pháp phòng ngừa lây nhiễm phổ biến ở trường học tới lúc này?

+ Việc áp dụng các biện pháp an toàn được chứng minh là có thể giúp ngăn ngừa bùng phát ở các trường học ngay cả khi xuất hiện lây truyền trong cộng đồng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề ra các biện pháp cấp cộng đồng như thực hiện phát hiện sớm, xét nghiệm, truy tìm liên lạc và cách ly các tiếp xúc; điều tra các cụm; đảm bảo cách xa về thể chất, thực hành vệ sinh tay và sử dụng khẩu trang phù hợp với lứa tuổi; che chắn cho các nhóm dễ bị tổn thương.

WHO cũng đề xuất các vấn đề vệ sinh và thực hành hằng ngày ở cấp trường, lớp học; sàng lọc và chăm sóc HS, giáo viên và nhân viên nhà trường khác bị nhiễm bệnh; bảo vệ các cá nhân có nguy cơ cao; phối hợp giữa nhà trường và HS; giữ khoảng cách vật lý bên trong và ngoài lớp học...

Viện Hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cũng đã đưa ra nhiều chính sách để thúc đẩy quá trình đưa HS quay lại trường học. Theo đó, đảm bảo tiêm chủng trong và xung quanh trường học; khuyến cáo đeo khẩu trang cho tất cả HS trên hai tuổi và nhân viên nhà trường; đảm bảo hệ thống thông gió; kiểm tra, cách ly, làm sạch và khử trùng thiết bị dạy học… Các trường học trung tâm phải liên lạc chặt chẽ và phối hợp với các cơ quan y tế công cộng của tiểu bang và (hoặc) địa phương, y tá trường học, bác sĩ nhi khoa địa phương và các chuyên gia y tế khác.

Còn theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ, những tiêu chí để giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh trong môi trường giáo dục bao gồm: Đẩy nhanh tiêm chủng; khuyến cáo tất cả HS (hai tuổi trở lên), nhân viên, giáo viên và khách đến trường nên đeo khẩu trang trong nhà, bất kể tình trạng tiêm chủng; khuyến nghị các trường học duy trì khoảng cách ít nhất khoảng 1 m giữa các HS trong lớp học; bổ sung các biện pháp y tế công cộng như sát khuẩn, giữ môi trường thông thoáng…

. Xin cám ơn bà.

Khuyến nghị cho Việt Nam mở cửa trường học

Dựa vào kinh nghiệm các nước, nếu muốn mở cửa trở lại chúng ta cần cân nhắc các vấn đề: Thời điểm (dựa vào tình hình dịch bệnh, vaccine), kế hoạch cách ly, thủ tục đón HS vào lớp mỗi ngày, vấn đề vệ sinh phòng học, kiểm tra sức khỏe và sàng lọc y tế, giới hạn số người trong lớp, tiếp xúc khi ăn uống chung, các biện pháp 5K, phản ứng khi có ca nhiễm, bố trí lớp học, quản lý giờ ra chơi, giãn cách vật lý.

Để triển khai, cần sự vào cuộc của cả ba cấp độ. Thứ nhất là các biện pháp chung được Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế ban hành. Thứ hai là chính sách của từng địa phương để phù hợp với nguồn lực và đặc thù. Cuối cùng là trách nhiệm của lãnh đạo các trường học trong việc thực hiện, quản lý, giám sát các biện pháp phòng chống dịch.

Về giải pháp cụ thể, tôi cho rằng có bảy nhóm chính: (i) Đẩy nhanh tiêm chủng kết hợp đeo khẩu trang; (ii) Đồng bộ giải pháp giữ khoảng cách, kiểm tra sàng lọc, xét nghiệm, lắp đặt hệ thống thông gió, rửa tay thường xuyên, cách ly khi có triệu chứng hoặc sau khi xét nghiệm dương tính; (iii) Phối hợp giữ liên lạc thông suốt giữa nhà trường với cơ quan y tế và chính quyền địa phương; (iv) Đưa ra các biện pháp áp dụng chung ở cấp độ quốc gia, các tỉnh, TP và cụ thể tại các trường học dựa trên tình hình khách quan, khả năng đáp ứng của hệ thống y tế cũng như tốc độ lây nhiễm hiện tại ở địa phương; (v) Cần có cổng thông tin thống kê về các ca nhiễm tại mỗi khu vực; (vi) Cần thiết lập các tình huống ứng phó khi xuất hiện ca nhiễm trong trường học; (vii) Cần quan tâm tới các nhóm HS thiểu số, các nhóm HS gặp khó khăn và không có điều kiện học tập.

PGS-TS NGUYỄN PHƯƠNG THẢO

Chuyên gia khuyến nghị giải pháp để mở cửa trường học ảnh 5

24.000.000 HS bỏ học vì dịch

 Dịch COVID-19 khiến 770 triệu trẻ em vẫn không được đến trường toàn thời gian tính đến cuối tháng 6-2021. Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã ước tính vào năm ngoái, khoảng 24 triệu HS bỏ học do hậu quả của đại dịch.

Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã đưa ra chiến dịch kêu gọi đưa trẻ em trở lại trường học do những hậu quả đã và đang diễn ra. Đến nay, các nước đã có những động thái mở cửa trường học dựa trên tình hình và kinh nghiệm phòng chống dịch của mình. Tuy nhiên, ngành giáo dục cùng với ngành y tế cần phối hợp lập kế hoạch và xây dựng các biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình thực tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm