Còn nhiều lo lắng của phụ huynh khi cho con đi học trực tiếp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đi học trực tiếp tại trường sẽ thuận lợi rất nhiều cho con em mình. Đặc biệt, hiện nay dịch COVID-19 ở Hà Nội đã qua thời gian đỉnh điểm.

Anh Công Phương, phụ huynh có con đang học lớp 1 cho biết mình hoàn toàn ủng hộ việc nay. Bởi suốt một thời gian dài học sinh không được đi học là điều bất lợi lớn, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của các con.

“Dịch bệnh hiện giờ đang dần lắng xuống, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có phần nhẹ hơn, không gây nguy hiểm như trước. Cộng thêm việc nhiều gia đình cả nhà đã từng nhiễm COVID-19, điều này đã tạo nên một phần miễn dịch cho cộng đồng.

Vợ chồng tôi thời gian phải cắt cử nhau ở nhà trông con, thành thử nhiều lúc rất vất vả, khó khăn về kinh tế. Tôi mong muốn các con sớm được trở lại trường”- Anh Phương chia sẻ thêm.

Cùng tâm trạng trên, gia đình chị Phượng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Con gái tôi năm nay đang học lớp 1, một số môn học, đặc biệt là môn Tập viết khó có thể học qua màn hình. Bởi, học sinh ở tuổi này cần được cầm tay trực tiếp, đưa những nét bút đầu tiên, phải kỹ lưỡng và tỉ mỉ. Nếu không có kỹ năng sư phạm thì khó có thể hướng dẫn được.

Gia đình tôi cũng chỉ có duy nhất 1 chiếc máy tính, con học thì mẹ không có máy làm việc, để con học bằng điện thoại nhiều sợ làm ảnh hưởng đến thị lực của cháu. Dự định mua thêm máy tính, nhưng chưa đủ tiền, vì thế tôi đang trăn trở. Vì vậy, gia đình tôi luôn mong đợi ngày các con được trở lại trường”- chị Phương tâm sự.

Một phiếu khảo sát của lớp học ở Hà Nội, Khá nhiều phụ huynh đồng thuận cho con em mình đi học trực tiếp. Ảnh phụ huynh cung cấp

Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng cho con mình đi học trực tiếp trở lại, chị Phương Thúy (Chương Mỹ, Hà Nội) có con đang học lớp 6 trên địa bàn cho biết, đợt trước đi học trực tiếp ở trường, nhưng chỉ sau vài ngày con gái chị đã bị nhiễm COVID-19 với những biểu hiện khá nặng như sốt cao, đau họng…

“Tôi cảm thấy lo lắng khi các cháu chưa được tiêm phòng vaccine COVID-19, vì vậy tôi đã không đồng ý vào phần khảo sát của nhà trường. Theo tôi, chác cháu cần đảm bảo điều kiện khách quan trước khi tới trường học trực tiếp”- chị Thúy tâm sự.

Cũng có con học lớp 6, chị Hoài Thu (Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Đa phần sau khi giáo viên chủ nhiệm lớp gửi phiếu khảo nhiều phụ huynh đã đồng ý cho con mình đi học trực tiếp trở lại. Nhưng riêng cá nhân mình, tôi không đồng tình, bởi các cháu chưa được tiêm phòng, nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao. Chưa kể, nếu nhiễm COVID-19 còn ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy hiểm cho các con”.

Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh (Hà Nội) cho việc, Sở GD&ĐT Hà Nội trước đó đã yêu cầu khảo sát ý kiến của phụ huynh từ lớp 1 đến lớp 6 về việc cho con đi học trực tiếp. Thời gian từ ngày 2 đến 4-4.

Theo ông Hậu, thời gian trước nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng, nhưng ở thời điểm này có thể đã giảm bớt được tâm trạng trên. Vì dịch bệnh đã ổn định, số lượng ca mắc trên địa bàn đã bắt đầu giảm dần. Đặc biệt biến thể mới dù lây lan nhanh, nhưng không quá nguy hiểm như trước.

“Tôi tin rằng, phụ huynh sẽ đồng thuận, còn tỉ lệ cụ thế nào thì cần chờ thống kê, báo cáo từ các trường gửi về. Công việc khảo sát, lấy ý kiến phụ huynh vẫn đang trong quá trình triển khai.

Vừa qua, UBND huyện cũng có văn bản chỉ đạo Phòng GD&ĐT thống kê học sinh từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn. Trong ngày mai chúng tôi sẽ thống kê xong để báo cáo. Về kế hoạch tiêm phòng vaccine như thế nào sẽ do Phòng Y tế tham mưu và UBND huyện sẽ chỉ đạo triển khai sau”- ông Hậu nói.

Trước đó, trong những nội dung của kế hoạch nhằm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 mà UBND TP Hà Nội vừa ban hành, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở GD&ĐT khi học sinh, sinh viên học trực tiếp.

"Căn cứ vào tình hình dịch bệnh để tổ chức hình thức dạy học cho phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài; thường xuyên kiểm tra, đánh giá để hiểu rõ các tác động tiêu cực của việc học trực tuyến, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ để có giải pháp kịp thời", kế hoạch nêu rõ.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cần xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp với các cấp độ dịch tại các địa phương.

Riêng Sở GD&ĐT, UBND TP Hà Nội yêu cầu trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD-ĐT cần chủ trì, phối hợp với Sở Y tế rà soát hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo thực hiện năm học 2021-2022 an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 tại từng địa phương; xây dựng kịch bản phù hợp tình hình thực hiện khi học sinh quay trở lại trường học trực tiếp. Cùng đó, phối hợp với Sở Y tế tổ chức tiêm chủng cho học sinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm