ĐH ngoài công lập thua hai lần trên một sân

Ngày 20-12, GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập (NCL), chủ trì buổi thảo luận bàn về tuyển sinh của các trường trong mùa tuyển sinh 2012 và bàn phương án tháo gỡ cho mùa tuyển sinh 2013. GS Quân lo ngại: Năm nay nhiều trường chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu, thậm chí có trường chỉ tuyển được vài chục thí sinh. Có những trường đầu tư cơ sở vật chất tốt, chỉ tiêu ít nhưng vẫn tuyển không được. Hệ quả, các trường NCL đang thở thoi thóp.

ĐH ngoài công lập thua hai lần trên một sân ảnh 1

Các trường ĐH vùng, ĐH địa phương đã “hứng” hết nguồn tuyển khi được áp dụng Điều 33 của Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ khiến các trường NCL có chất lượng cũng không còn nguồn . Trong ảnh: SV ĐH Trà Vinh tìm việc tại Hội chợ việc làm do trường tổ chức tháng 10-2012. Ảnh: QV

80 trường chia nhau 14% nguồn tuyển

Ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT phân tích: Nhìn vào thị trường tuyển sinh tương đương (khoảng 1 triệu thí sinh) nhưng thí sinh đi về đâu sao các trường tuyển sinh không được. Nguồn tuyển trường công chiếm 86% sinh viên, khoảng 80 trường NCL chỉ chiếm được 14%. Nếu các trường công lập (CL) tăng thêm 10% chỉ tiêu thì các trường NCL sẽ mất đi 50% nguồn tuyển.

Ông Nguyễn Cao Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, cho rằng: Hầu hết các hiệu trưởng đều ngỡ ngàng với kết quả tuyển sinh năm nay. Nhiều ngành phải đóng cửa, như trường tôi chỉ tuyển được 30% chỉ tiêu trong tổng số 3.200 chỉ tiêu. Chưa đến nỗi phải đóng cửa nhưng cũng rất bấp bênh. Nhiều nhà tuyển dụng chỉ thích tuyển sinh viên tốt nghiệp trường công, học phí trường công rẻ hơn thì lấy ai học trường tư.

TS Nguyễn Minh Châu, Hiệu trưởng ĐH Quang Trung, nói: Việc Bộ xác định điểm sàn dựa trên tổng chỉ tiêu mà không phân biệt giữa trường công và trường tư là bất cập. Điểm sàn không phải để đánh giá chất lượng đầu vào ĐH-CĐ, điểm sàn 13 điểm (mỗi môn chưa đến 5 điểm) thì sao gọi là chất lượng. “Điểm sàn chỉ được xác định dựa trên tổng chỉ tiêu tuyển sinh trên số thí sinh dự thi. Mặc dù các trường tư đã chủ động công tác tiếp thị rất tốt nhưng vẫn không tuyển được nguồn tuyển. Thiết nghĩ Bộ nên cho các trường thi chung đợt, chung đề nhưng được tự chủ trong tuyển sinh” - TS Châu đề xuất.

Nhiều đề xuất để “cứu” trường NCL

TS Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng ĐH Quốc tế Miền Đông, phân tích: ĐH CL và NCL đều bị ràng buộc về chỉ tiêu và điểm sàn nhưng một anh được nuôi dưỡng và một anh tự sống thì thắng thua đã quá rõ. Còn các trường ĐH do nước ngoài đầu tư lại có phương thức tuyển sinh riêng không phụ thuộc chỉ tiêu của Bộ, không chịu sự khống chế điểm sàn thành thử trường NCL lại thua một lần nữa. Chúng ta cần phải phân tầng ĐH bao gồm ĐH nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực… bắt buộc trường công phải giảm chỉ tiêu, sinh viên nào muốn học những trường này phải trải qua kỳ tuyển sinh quốc gia để trở thành những nhà nghiên cứu, vì vậy không thể tuyển một cách đại trà. “Tại sao trường do nhà đầu tư nước ngoài được ưu đãi nhiều hơn các trường do doanh nghiệp trong nước đầu tư, chưa chắc trường ngoại đã tốt hơn. Điều này tạo rào cản không cần thiết. Đề xuất các trường NCL được hưởng quyền lợi tuyển sinh như các trường nước ngoài đầu tư vào Việt Nam” -TS Phúc nói.

Họ đã nói

Thấy vậy không phải vậy!

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, mỗi năm có 980.000 học sinh tốt nghiệp THPT và chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 675.000. Nhiều người so sánh sẽ tưởng là nguồn tuyển dồi dào nhưng thực tế trong số đó chỉ có 50% đạt điểm sàn thì không đủ nguồn tuyển.

TS LÊ ĐÌNH VIÊN, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Long An

Bộ GD&ĐT nên giảm chỉ tiêu các trường CL và quản lý chặt chẽ tổng chỉ tiêu các hệ tại chức, văn bằng hai…, từ năm 2013 mỗi năm các trường CL giảm 7% chỉ tiêu sẽ tạo điều kiện cho các trường NCL nguồn tuyển dồi dào.

Ông LÊ TRƯỜNG TÙNG, Hiệu trưởng ĐH FPT

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm