Liên quan đến vụ lùm xùm về bữa ăn bán trú của Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (quận 9, TP.HCM), phụ huynh trường này đã tự bầu Ban Đại diện cha mẹ học sinh (Ban ĐDCMHS) mới vào ngày 7-11 sau khi Ban ĐDCMHS cũ tự giải tán.
Nhiều bạn đọc nêu thắc mắc về tính hợp pháp của vấn đề trên.
Tự giải tán không trái Điều lệ
Luật sư (LS) Nguyễn Văn Dũ, Đoàn LS TP.HCM cho biết: "Theo Khoản 1 Điều 92 Luật Giáo dục năm 2019 và Khoản 3 Điều 3 Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh (gọi tắt là Điều lệ, được ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011 của Bộ GD&ĐT), Ban ĐDCMHS (gồm Ban ĐDCMHS lớp và Ban ĐDCMHS trường) được tổ chức trong mỗi năm học.
Đại diện các phụ huynh thực hiện việc kiểm phiếu bầu ban đại diện CMHS mới. Ảnh: Nguyễn Quyên
Nhiệm kỳ của Ban ĐDCMHS lớp, Ban ĐDCMHS trường là một năm học; các Ban ĐDCMHS hết nhiệm kỳ khi bắt đầu năm học tiếp sau, riêng Ban ĐDCMHS đại diện cha mẹ học sinh lớp cuối cấp học hết nhiệm kỳ khi kết thúc năm học.
Cạnh đó, theo Khoản 5 Điều 3 Điều lệ thì Ban ĐDCMHS hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận.
Ngoài ra, Điều lệ còn quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, của Sở, Phòng GD&ĐT, của Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm lớp trong việc bảo đảm thực hiện Điều lệ Ban ĐDCMHS.
Và Điều 15 Điều lệ Ban ĐDCMHS còn quy định: Tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý cản trở việc thực hiện Điều lệ Ban ĐDCMHS, vi phạm các quy định của Điều lệ Ban ĐDCMHS và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động của Ban ĐDCMHS thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
“Từ những quy định trên thấy rằng, việc Ban ĐDCMHS cũ của Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi tự “giải tán” là không trái Điều lệ, phù hợp với nguyên tắc đồng thuận”, LS Văn Dũ nói.
Cơ quan quản lý giáo dục cần vào cuộc
Thạc sĩ Huỳnh Thị Nam Hải, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM cho biết thêm: Các thành viên Ban ĐDCMHS có thể thay đổi, bổ sung khi cần thiết theo đề nghị của trưởng ban.
Việc thay đổi, bổ sung thành viên Ban ĐDCMHS lớp do toàn thể cha mẹ học sinh lớp quyết định; việc thay đổi, bổ sung thành viên Ban ĐDCMHS trường do toàn thể Ban ĐDCMHS trường quyết định.
Như vậy, theo quy định này thì việc thay đổi, bổ sung thành viên Ban ĐDCMHS trường hoàn toàn có thể thực hiện theo đề nghị của trưởng ban trong trường hợp cần thiết và việc thay đổi, bổ sung này sẽ do toàn thể Ban đại diện CMHS trường quyết định.
“Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có quy định cụ thể về thủ tục thực hiện trong trường hợp thành viên bị yêu cầu thay đổi là trưởng ban cũng như trường hợp tất cả các thành viên trong Ban ĐDCMHS trường. Do đó, có thể áp dụng các quy định tương tự như trường hợp bầu mới”, ThS Nam Hải nêu quan điểm.
Cũng theo ThS Nam Hải, việc được tham gia vào Ban ĐDCMHS cần có sự tín nhiệm của toàn thể phụ huynh học sinh.
Do đó, khi Ban ĐDCMHS của lớp, của trường không còn sự tín nhiệm của toàn thể CMHS thì việc thay đổi là cần thiết.
“Khi có vi phạm dẫn đến sự bất tín nhiệm của phụ huynh học sinh đối với nhà trường cũng như Ban ĐDCMHS, thiết nghĩ, cơ quan quản lý nhà nước phụ trách lĩnh vực giáo dục cần có sự can thiệp kịp thời để chấn chỉnh, xử lý các vi phạm nhằm khôi phục lại niềm tin của các bậc phụ huynh đối với nhà trường và cao hơn là môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn cho trẻ”, ThS Nam Hải chia sẻ.
Nhà trường làm việc với Ban đại diện mới Ngày 8-11, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi đã tổ chức họp với Ban Đại diện cha mẹ học sinh mới và đi đến thống nhất một số vấn đề: 1. Đảm bảo không gián đoạn việc cung cấp bữa ăn bán trú cho học sinh. Tạm thời công ty Nidsan sẽ nấu ăn phục vụ học sinh với nguồn nguyên liệu từ Co.op Food. 2. Trong tuần sau, thay đổi nước uống sang Vihawa (Vĩnh Hảo). 3. Thực hện gấp rút việc đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn bán trú cho nhà trường. |
(PLO)- Để khắc phục sự cố tại trường THPT Bình Phú, quận 6, TP sẽ sử dụng Quỹ dự phòng chống thiên tai, lụt bão với kinh phí ước tính 2,9 tỷ đồng.