Tìm hướng “cứu” trường ĐH-CĐ ngoài công lập

Ngày 5-3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập (NCL) theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về những kiến nghị khẩn cấp của hiệp hội trước nguy cơ tan rã của nhiều trường NCL.

Vui vẻ nhưng chưa thống nhất

Được biết tại buổi họp, GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch hiệp hội bên cạnh việc khẳng định sự góp mặt của loại hình trường ĐH, CĐ NCL cũng nhấn mạnh: “Chủ trương xã hội hóa giáo dục là đúng nhưng chỉ đúng khi chủ trương này có một cơ chế chính sách hợp lý, đối xử công bằng như các trường công lập. Đề nghị Bộ GD&ĐT khẩn trương có đánh giá khách quan về tình hình phát triển hệ thống các trường NCL 20 năm qua, những điểm yếu và điểm mạnh để từ đó tìm ra nguyên nhân khắc phục trước nguy cơ đóng cửa của nhiều trường NCL. Đặc biệt, mong muốn Bộ GD&ĐT thực hiện nghiêm chỉnh những văn bản đã ban hành để từ đó có cơ chế chính sách phù hợp, tạo cơ chế công bằng đối với các trường NCL”.

Đại diện các trường NCL cũng đề xuất các giải pháp như: nhập hai kỳ thi tốt nghiệp và ĐH; Bộ tổ chức tốt thi tốt nghiệp nghiêm túc để xét vào ĐH, không cần phải thi. Theo lý giải của thành viên hiệp hội là do hai kỳ thi cách nhau một tháng rất tốn kém.

Tìm hướng “cứu” trường ĐH-CĐ ngoài công lập ảnh 1

Dù được TP.HCM cấp gần 57.000 m2 tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh từ năm 2006 nhưng dự án xây dựng Trường ĐH Văn Hiến hiện vẫn còn nằm trên giấy.

Tìm hướng “cứu” trường ĐH-CĐ ngoài công lập ảnh 2

Tiếp thu các ý kiến hiệp hội đã đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận hứa sẽ trình Chính phủ quyết. Đồng thời, bộ trưởng cũng đề nghị Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ NCL cần quán triệt tới các trường lập phương án cụ thể, nếu xét thấy phù hợp sẽ chấp thuận trong những đề nghị về tuyển sinh.

Trao đổi sau khi buổi làm việc kết thúc, GS Trần Hồng Quân cho biết: “Cuộc họp diễn ra vui vẻ. Sản phẩm của nó là những điều thống nhất và những điều chưa thống nhất. Bộ GD&ĐT sẽ có kết luận báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cuộc họp này”.

Nguyên tắc phải đảm bảo chất lượng

Chiều cùng ngày, Thứ tưởng Bùi Văn Ga đã có cuộc gặp gỡ báo chí trao đổi các thông tin liên quan. Thứ trưởng đã chia sẻ một số vấn đề được đề cập trong buổi làm việc sáng 5-3. Với kiến nghị cho hưởng chính sách thuế ưu đãi, thứ trưởng cho biết Bộ đã gửi lên Bộ Tài chính và Chính phủ để các trường được hưởng chính sách ưu đãi. Ví dụ, các trường được phép hoạt động và tuyển sinh sẽ được hưởng 10% thuế. Đây là điều kiện giúp các trường có thêm điều kiện về tài chính để hoạt động tốt hơn.

Trả lời câu hỏi của PV, với cơ chế điểm sàn hiện tại có dẫn đến việc trường NCL bị các trường công lập tuyển vét, đại diện lãnh đạo Bộ bày tỏ: “Quan điểm của Bộ chưa có nghị định phân tầng ĐH nên chưa thể buộc các trường lấy điểm tuyển sinh bao nhiêu cho vừa. Hiện Bộ đang xây dựng nghị định phân tầng và xếp hạng ĐH. Khi đó sẽ có cơ chế cho việc tuyển sinh”.

Theo lãnh đạo Bộ, để tránh tình trạng tăng quy mô, Bộ đã thay đổi cơ chế không cho tuyển nguyện vọng sau thấp hơn nguyện vọng trước, đảm bảo các trường đủ nguồn tuyển và cũng là ngăn chặn các trường liên tục hạ điểm chuẩn. Về nguy cơ một số trường phải giải tán, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định nguyên tắc phải đảm bảo chất lượng, không thể hy sinh chất lượng. Cơ bản từ nay đến năm 2020 sẽ có rất ít trường thành lập và cũng sẽ không có cơ chế xin-cho.

Hàng loạt trường ĐH sắp ra đời

Giữa tháng 1-2013, một trường tư thục ra đời là Trường ĐH Nam Cần Thơ và cuối tháng ra đời tiếp một trường công lập là Trường ĐH Kỹ thuật-Công nghệ Cần Thơ.

Trước đó, một loạt trường tư thục đã được Thủ tướng Chính phủ có chủ trương thành lập gồm ĐH Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ), ĐH Kinh tế Kỹ thuật Hàng hải (Bến Tre), ĐH Nam Việt (Sóc Trăng), ĐH Phương Nam (Đồng Nai), ĐH Kinh tế Công nghệ Miền Đông (Đồng Nai), ĐH Mỹ-Thái Bình Dương (Đà Nẵng), ĐH Hạ Long (Quảng Ninh)...

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm