Một buổi lễ khai giảng online, người tham dự có thể đang ở khắp mọi vùng, miền của đất nước, thậm chí có thể ở cả các quốc gia khác, cách xa nhau về địa lý nhưng vẫn cảm thấy rất gần nhau thông qua màn hình của máy vi tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng.
Một buổi lễ khai giảng mà có thể cả một đời người chỉ có một lần được trải qua để sau này có thể kể lại với thế hệ sau rằng: “Hồi đó - lâu lắm rồi - đã có một lễ khai giảng thật kỳ lạ”…
Buổi lễ khai giảng online cũng đã cho thấy rằng chúng ta buộc phải có kỹ năng thay đổi để thích ứng - một trong những kỹ năng hàng đầu của thế kỷ 21 - một sự chấp nhận để tồn tại, không có chọn lựa nào khác.
Từ những tháng đầu năm 2020 đến thời điểm hiện nay, cơn đại dịch COVID-19 đã gây bao điều khó khăn cho cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta, làm xáo trộn những thói quen hằng ngày của mọi người nói chung và ngành giáo dục nói riêng. Nhưng ở góc độ khác, dịch bệnh cũng đem lại cho mọi người nhiều trải nghiệm tích cực hơn trong những ngày giãn cách xã hội.
Đã có những bữa ăn mà mâm cơm gia đình có đầy đủ thành viên quây quần bên nhau; cha mẹ có thêm thời gian để đồng hành cùng con cái trong quá trình trưởng thành, có thêm thời gian để cha mẹ, con cái trò chuyện cùng nhau và để cùng chia sẻ, thấu hiểu nhau hơn…
Bản thân giáo viên (GV) cũng thế, trước đây việc áp dụng công nghệ vào giảng dạy tưởng chừng chỉ dành cho các GV trẻ thì với những ngày học online này, GV ở độ tuổi nào cũng phải tự mình tìm hiểu Google Meet hoạt động ra sao, Zoom trình bày bài giảng thế nào, MS team, Google Classroom giao bài và chấm bài thú vị lắm… Những điều mà trước đây các thầy cô lớn tuổi thường không quan tâm vì lý do “tuổi cao, sức yếu”!
Bản thân của từng GV - vì sự tôn trọng chính bản thân - cũng đã phải nỗ lực rất nhiều để tìm tòi những cách thức chuyển tải kiến thức đến HS; làm thế nào để tạo ra những tiết học lý thú khi thầy trò chỉ thấy nhau qua màn hình.
Và COVID-19 cũng không để các nhà quản lý giáo dục đứng ngoài cuộc dạy học trực tuyến. Hiệu trưởng, hiệu phó buộc phải làm mới bản thân để ít nhất không đi sau GV; buộc phải thay đổi hình thức quản lý để có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế và để tạo ra một môi trường giáo dục mới trên không gian mạng.
Cơn đại dịch COVID-19 đã tạo ra một cuộc “cách mạng” trong nền tảng của việc dạy và học, tạo ra những thói quen, hình thức mới trong giáo dục để “giãn cách nhưng không ngừng học tập”. Một sự thay đổi tận gốc rễ thói quen dạy và học của HS cùng GV mà những mệnh lệnh hành chính không thể tạo ra sự thay đổi toàn diện như thế.
Một năm học mới đã bắt đầu với lễ khai giảng trực tuyến - điều mà trước đây chưa từng có, hy vọng với một khởi đầu “khác thường” như thế, năm học này cũng sẽ có thể có nhiều điều “khác thường” nữa để tạo ra sự thay đổi tích cực cho nền giáo dục TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Trong NGUY luôn có CƠ, vấn đề còn lại là chúng ta có đón nhận được CƠ hay không? Điều đó phụ thuộc vào kỹ năng thích ứng của từng cá nhân trong ngành giáo dục. Nhưng chắc chắn một điều cuộc sống không bao giờ dừng lại, nếu bạn không tiến, ắt hẳn bạn sẽ bị lùi lại phía sau.