Giao hàng lúc chủ vắng nhà, thủ đoạn lừa đảo qua mạng mới

(PLO)- Ngoài các chiêu lừa cũ, nay xuất hiện thêm thủ đoạn lừa đảo qua mạng mới, nhiều người dân nhẹ dạ cả tin đã sập bẫy.

Thời gian qua, mặc dù cơ quan công an và báo chí đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng lừa đảo, đặc biệt là lừa đảo qua mạng. Tuy nhiên, một số người cả tin mất số tiền lớn.

Gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Thủ đoạn mới: giao hàng lúc chủ vắng nhà

Mới đây, Công an tỉnh Bình Phước cảnh báo về việc một số người dân bị lừa đảo bằng hình thức - giao hàng lúc vắng nhà.

Lừa đảo qua mạng với hình thức mới khiến một số người dân "sập bẫy". Ảnh: LÊ ÁNH

Đó là vụ việc chị VTT (xã Tân Thành, TP Đồng Xoài, Bình Phước) khi cả gia đình không có ai ở nhà, bất ngờ chị T. nhận cuộc gọi từ một người tự xưng nhân viên giao hàng.

Người này nói gia đình chị T. có đơn hàng trị giá 120.000 đồng, đã để trong sân nhà rồi yêu cầu chị chuyển khoản.

Do gia đình hay mua hàng trên mạng, nên chị T. tin tưởng và chuyển khoản tiền.

Sau khi về nhà, chị T. phát hiện không có ai đặt hàng. Chị T. liền gọi cho nhân viên giao hàng khiếu nại.

Lúc này, chị T. được nhân viên giao hàng hướng dẫn vào một đường link (dẫn đến trang website giả mạo) và yêu cầu nhập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và mã OTP để được hoàn tiền.

Chị T. đã làm theo hướng dẫn, ngay lập tức tải khoản của chị bị rút mất 5 triệu đồng. Chị T. gọi điện thoại lại cho người giao hàng thì không liên lạc được.

Từ vụ việc này, Trung tá Nguyễn Minh Hiếu, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh Bình Phước), nhận định đây là thủ đoạn mới.

Các nhóm tội phạm sẽ tham gia theo dõi các buổi livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, để xác định những khách hàng có đặt mua sản phẩm.

Sau đó, các đối tượng lấy thông tin liên hệ của người dân từ các bình luận, tin nhắn công khai trên livestream để thu thập thông tin người đặt hàng rồi lừa đảo như cách thức trên.

Mất hơn 1 tỉ vì xem phim online

Cũng tại Bình Phước, hồi tháng 9-2024 ông CXH (phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành) đến cơ quan công an trình báo việc bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng.

Người dân đến Công an tỉnh Bình Phước trình báo vì bị lừa đảo qua mạng. Ảnh: CABP

Ông H. cho biết, tài khoản facebook tên “nguyenlinhhuong” nhắn tin làm quen nên H. đồng ý. Sau đó, người này nhắn tin giới thiệu tải ứng dụng mạng xã hội Telegram để tham gia xem phim online và bình chọn được trả phí.

Sau đó, người này gửi đường link rồi hướng dẫn ông H. đăng nhập tài khoản và truy cập vào một trang website để xem phim, làm nhiệm vụ “bình chọn 1”. Sau khi hoàn thành ông H. nhận được 170.000 đồng chuyển vào tài khoản.

Nhiều lần sau đó, ông H. làm việc tương tự thì số tiền trong tài khoản càng tăng. Tuy nhiên, khi ông H. muốn rút ra đều không được.

Người này đã yêu cầu ông H. chuyển tiền để rút tiền ra, nhưng mỗi lần rút tiền đều bị lỗi mạng. Để rút được tiền ông H. đã nộp vào tài khoản theo hướng dẫn của tài khoản facebook chưa quen biết số tiền hơn 1 tỉ đồng. Khi phát hiện bị lừa thì đã quá muộn.

Còn tại Bình Dương, phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Bình Dương) đã tiếp nhận nhiều vụ việc người dân đến trình báo về việc bị các đối tượng mạo danh cán bộ thuế, công an gọi điện cho người dân để lừa đảo qua mạng.

Các nhóm lừa đảo thông qua qua mạng xã hội kết bạn với nạn nhân, gửi đường link các ứng dụng mạo danh Tổng Cục thuế, Dịch vụ công quốc gia, dịch vụ công Bộ Công an... (do các đối tượng tạo ra) yêu cầu người dân tải về và cài đặt.

Khi đã cài đặt ứng dụng, vào thời điểm thích hợp các đối tượng sẽ chiếm quyền điều khiển của thiết bị di động thực hiện lệnh chuyển tiền để chiếm đoạt.

Theo lãnh đạo phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Bình Dương), bản chất của thủ đoạn này là các đối tượng tạo ra các ứng dụng có giao diện rất giống với các ứng dụng của cơ quan nhà nước để lừa đảo qua mạng.

Sau đó, thông qua mạng xã hội, các kênh chat để tạo lòng tin, trực tiếp gửi link đến nhân yêu cầu tải về và cài đặt phần mềm này vào thiết bị di động của nạn nhân.

Sau khi cài đặt phần mềm giả mạo này vào thiết bị, các đối tượng sẽ có quyền kiểm soát toàn bộ hoạt động của thiết bị, đối tượng sẽ thực hiện các lệnh chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của bị hại sang tài khoản của các đối tượng để chiếm đoạt.

Bị lừa lòng tham và thiếu nhận thức

Lãnh đạo phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Bình Dương) cho biết, hiện này có nhiều thủ đoạn lừa đảo qua mạng không mới, nhưng nhiều người dân vậy bị “sập bẫy”.

Cụ thể, lập các trang fanpage giả mạo; dịch vụ “lấy lại tiền bị lừa đảo”; mua bán hàng hóa, vé máy bay, du lịch; giả làm người thân mượn tiền; giả danh cơ quan nhà nước yêu cầu chuẩn hóa thông tin cá nhân; giả danh ngân hàng cho vay, để yêu cầu chuyển tiền làm thủ tục; yêu cầu chuyển tiền để nhận quà có giá trị cao…

Cũng theo đơn vị này, nguyên nhân người dân bị lừa đảo thì có nhiều, nhưng nguyên nhân chủ yếu là đánh vào lòng tham, tâm lý hoang mang, thiếu nhận thức…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới