Những ai từng học văn khoa ĐH Sư phạm TP.HCM những năm 1980 chắc hẳn còn nhớ, không ít lần cố GS Lê Trí Viễn đã rút khăn mùi xoa ra lau khi thấy mặt bàn lấm bụi bẩn. Ông cũng nhiều lần quỳ trên sàn hay nằm lăn ra bục giảng trong khi giảng bài say sưa đến lúc cao trào. Cùng quãng thời gian ấy, chúng tôi thường xuyên được thầy Đinh Xuân Hiền “viếng thăm” ở ký túc xá 222 Lê Văn Sỹ. Thầy Hiền tự xưng mình là “giáo sư Trình Văn Độ”, vô ký túc xá ăn cơm chung với sinh viên và cởi trần đọc thơ bằng ba thứ tiếng cho chúng tôi nghe. Ông giảng Shakespeare bằng tiếng Anh không giáo trình lưu loát hơn cả một kịch sĩ…
Ai cũng hiểu các vị giáo sư đó không cố tình làm cho mình trở nên lập dị, mà điều đó xuất phát từ tính cách - phần nào bản năng khác thường của họ. Họ đều được hầu hết sinh viên và đồng nghiệp kính trọng, xem như những nhà giáo lỗi lạc.
Thế giới cũng không ít giai thoại kể về cuộc sống lập dị của những thiên tài xuất chúng. Như câu chuyện nhà bác học Newton thay trứng gà bằng chiếc đồng hồ quả quýt bỏ vào nồi nước sôi chẳng hạn.
Nhưng mới đây, mạng xã hội một lần nữa dậy sóng khi vị hiệu phó của Trường ĐH Hoa Sen - GS Trương Nguyện Thành mặc quần... cộc, áo vest lên giảng bài trước mặt hàng trăm sinh viên. GS Thành lập luận về hành động cố tình lập dị của mình rằng ông muốn sinh viên “cần phải nghĩ vượt qua tầm giới hạn trong định kiến xã hội, gò bó trong ý tưởng” thì mới “tư duy sáng tạo” được. Tôi hiểu GS Thành muốn đề cập đến khái niệm giải thoát hay tự do như là tiền đề của mọi hoạt động học thuật và sáng tạo.
Ở đây, người viết không bàn đến khái niệm vì từ giữa thế kỷ trước các nhà triết học hiện sinh, mà điển hình là J.P Sartre đã từng đề cập: “Con người được sinh ra trên đời để tự do sáng tạo, tự tô vẽ cho “bộ mặt” độc đáo của mình và do vậy nó phải chịu trách nhiệm về tương lai của mình. Cái chỉ đạo, dẫn dắt sự lựa chọn của cá nhân chính là yếu tố bản năng trong con người. Bản năng ấy thúc đẩy và dẫn dắt con người hành động…”.
Người viết chỉ thắc mắc rằng tư tưởng mà GS Thành muốn dẫn dắt sinh viên Trường Hoa Sen thông qua hình ảnh lập dị cố ý của ông có được họ tiếp nhận như cái mà ông mong muốn. Hay điều đó chỉ tạo cho họ ấn tượng một ông thầy dị biệt, Tây không ra Tây mà ta cũng không ra ta.
Thiết nghĩ, cái mà sinh viên cần thật sự, khai phóng thật sự chính là mô hình phát triển của nhà trường, thiết kế chương trình, tổ chức các hoạt động học tập. Và nếu có thể, nhà trường nên trang bị cho họ những kỹ năng cần và đủ để tư duy sáng tạo, hơn là nhìn thấy một giáo sư ăn mặc kỳ dị trên giảng đường.