Giao thông trung tâm miền Tây thêm thuận lợi từ 2018

Theo Bộ GTVT, giai đoạn từ năm 2010 đến nay, vùng ĐBSCL đã được đầu tư hoàn thành 46 dự án giao thông (chủ yếu là đường bộ - 39 dự án) với tổng vốn đầu tư khoảng 76.462 tỉ đồng. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu là từ trái phiếu chính phủ (47%) và ngân sách nhà nước (19%); các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách còn chiếm tỉ lệ thấp (19%), chủ yếu tập trung tại các dự án BOT đường bộ.

Hàng loạt công trình quan trọng hoàn thành

Để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội cho vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, trong những năm qua nhiều công trình lớn đã cấp bách hoàn thành như cầu Cần Thơ, Hàm Luông; tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đường Nam sông Hậu… phá thế ngăn sông cách trở, giúp người dân, doanh nghiệp vận tải hàng hóa, đi lại từ miền Tây về TP.HCM không phải sử dụng độc đạo quốc lộ 1 như trước đây.

Đáng chú ý, khi nhiều công trình giao thông quan trọng đã hoàn thành trong năm qua và dự kiến thông xe từ đầu năm 2018 sẽ trở thành niềm phấn khởi cho người dân Tây Nam bộ.

Theo đó, trong thời gian tới, khi hai cây cầu Vàm Cống và Cao Lãnh bắc qua sông Hậu, sông Tiền được thông xe, hành trình di chuyển từ TP.HCM theo tuyến đường N2 về An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ sẽ thuận lợi hơn. Đặc biệt, dự án nâng cấp tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dự kiến cũng hoàn thành trong năm 2018.

Đồng thời, dự án cải tạo quốc lộ 91 với tổng kinh phí gần 1.589 tỉ đồng theo hình thức BOT hoàn thành trước đó đã góp phần kết nối TP Cần Thơ đến hai tỉnh An Giang, Kiên Giang và đi Campuchia, tạo động lực phát triển cho cả vùng ĐBSCL rộng lớn, đặc biệt là khu vực Bắc sông Hậu. Nếu trước đây đoạn Km 14+000 - Km 50+889 trên quốc lộ 91 có bề rộng mặt đường nhỏ hẹp chỉ khoảng 5-6 m thì nay đã được nâng cấp lên 11 m, tổng chiều dài tuyến đường khoảng 28 km đã phát huy hiệu quả dự án đúng như niềm mong đợi của người dân.

Kêu gọi xã hội hóa đầu tư các dự án

Không thể phủ nhận lợi ích các tỉnh ĐBSCL có được sau khi đưa vào khai thác tuyến quốc lộ 91. Đó là nâng cao năng lực thông hành, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực, giảm thiểu tắc nghẽn giao thông, giảm chi phí vận chuyển, góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội, giảm tỉ lệ các vụ tai nạn giao thông (TNGT)…

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, một người dân quê An Giang, chia sẻ mỗi lần về thăm quê dịp Tết, anh rất lo sợ và ngao ngán tình cảnh xe nối đuôi nhau trên những con đường chật hẹp, vừa sợ tai nạn vừa mệt mỏi khi trông thấy kẹt xe.

“Tuy nhiên, từ khi tuyến đường được nâng cấp rộng rãi và thông thoáng hơn, tôi đã an tâm khi tham gia giao thông về miền Tây vào mỗi dịp lễ, Tết. Đặc biệt, nếu các công trình lớn được hoàn thành trong năm nay, tôi sẽ về quê dễ dàng hơn khi khoảng cách và thời gian được rút ngắn, không còn cảnh chờ phà như trước đây” - anh Tuấn cho biết.

Trước thực trạng chất lượng mặt đường ngày càng xuống cấp, lòng và lề đường hẹp nên TNGT thường xuyên xảy ra, các tuyến đường huyết mạch sớm đưa vào sử dụng không chỉ giảm ùn tắc, TNGT mà còn giảm chi phí vận chuyển; góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng lực thông hành giữa các vùng trong khu vực ĐBSCL.

Theo Bộ GTVT, trong điều kiện nguồn vốn trái phiếu chính phủ, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, đồng thời nguồn thu phí bảo trì đường bộ mới chỉ đáp ứng được khoảng 43% nhu cầu thực tế trên hệ thống quốc lộ và trong khi tiếp cận nguồn vốn ODA ngày càng khó khăn thì để đáp ứng nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ĐBSCL, Bộ GTVT cũng đã đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư.

Cụ thể, Bộ GTVT đang kêu gọi xã hội hóa đầu tư bốn dự án theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 10.320 tỉ đồng, bao gồm: dự án nâng cấp quốc lộ 62 từ Âu Rạch Chanh - Mộc Hóa, cầu Châu Đốc, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm