Giao thông xanh cho người dân TP.HCM

Theo dự kiến, ngày 8-3, TP.HCM sẽ đưa vào vận hành tuyến xe buýt hiện đại, thân thiện với môi trường và giá vé hợp lý. Đây được coi là một tuyến giao thông xanh tiếp theo được ra đời, sau mô hình xe đạp công cộng mà TP.HCM đã triển khai trước đó.

95.000 lượt người sử dụng xe đạp công cộng

Xe đạp công cộng chính thức ra mắt ở TP.HCM hơn hai tháng và mô hình này đang thu hút sự quan tâm của giới trẻ, người đam mê thể thao.

Theo ghi nhận, vào sáng sớm hoặc chiều tối, nhiều người trẻ sử dụng xe đạp công cộng và coi đây như là một hình thức giải trí mới. Với hàng chục điểm lấy/trả xe thuận lợi thì đây là một dịch vụ khá hấp dẫn. Đặc biệt, tại những điểm ở trung tâm TP.HCM như phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhà thờ Đức Bà, đường Lê Duẩn, xe đạp công cộng luôn được sử dụng tối đa công suất.

Ông Nguyễn Văn Tài (ngụ quận 3) cho biết hầu hết sáng và tối hai cha con ông đều sử dụng xe đạp công cộng để rèn luyện sức khỏe, với giá chỉ 10.000 đồng/giờ. Riêng giới trẻ thì coi xe đạp công cộng là một loại hình du lịch khi đến với TP.HCM. Trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok hay các hội nhóm đều giới thiệu mô hình du lịch trải nghiệm này.

Bên cạnh đó, tuyến xe buýt điện hiện đại ở TP.HCM chuẩn bị khai trương cũng làm giới trẻ, hành khách mong đợi. Đây tiếp tục là mô hình giao thông xanh được TP.HCM áp dụng, phục vụ người dân trong thời gian tới.

Ông Ðỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ vận tải số Trí Nam (Tập đoàn Trí Nam), cho biết: Theo thống kê, đến nay đã có 95.000 lượt người thực hiện chuyến đi với 100.000 giờ đạp xe, tương đương khoảng 600.000 km đã đi. Trung bình mỗi ngày có gần 15.000 người đăng ký mới. Đặc biệt vào những ngày cuối tuần, xe đạp ở các trạm đều hoạt động hết công suất, cao điểm phải sử dụng xe dự phòng.

Xây dựng hình ảnh giao thông xanh

Theo ông Dân, mô hình xe đạp công cộng là một biện pháp để bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời xây dựng hình ảnh giao thông xanh trong mắt người dân TP và khách du lịch quốc tế.

Trong giai đoạn thí điểm, công ty đầu tư gần 400 xe đặt tại 43 vị trí khu vực trung tâm ở quận 1. Giai đoạn 2, công ty dự kiến tăng lên 5.000 xe, phủ khắp địa bàn TP. Sau đó, Tập đoàn Trí Nam cũng sẽ triển khai thêm ở Vũng Tàu, Phú Quốc, Nha Trang và Quảng Ninh...

“Có 50% lượng khách hàng hằng ngày quay lại sử dụng dịch vụ này. Dự kiến khi mở cửa du lịch, xe đạp công cộng sẽ là một mô hình thúc đẩy phát triển du lịch ở TP.HCM” - ông Dân kỳ vọng.

Để tiếp tục phát triển loại hình giao thông công cộng thân thiện với môi trường, UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất của Sở GTVT cho thí điểm hoạt động xe buýt điện. Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, các tuyến xe buýt điện đều là phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát khí thải ra môi trường.

Theo đại diện trung tâm, dự kiến ngày 8-3 sẽ công bố mở tuyến xe buýt điện có trợ giá số D4 (tuyến Vinhomes Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn). Đối với các tuyến khác sẽ lần lượt đưa vào khai thác trong quý III và quý IV-2022.

Giá vé đề xuất sử dụng hai loại vé trên tuyến gồm: Vé lượt hành khách thường là 7.000 đồng/người; vé lượt học sinh, sinh viên là 3.000 đồng/người; vé bán trước là 157.500 đồng/tập 30 vé. Số lượng xe hoạt động trên tuyến bao gồm 12 xe, 68 chỗ (29 chỗ ngồi, 39 chỗ đứng, phân loại nhóm 4).

Hiện Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus đang triển khai đầu tư hạ tầng, phương tiện và cam kết sẽ hoàn tất công tác đầu tư phương tiện để đưa vào hoạt động trên tuyến trước ngày 8-3.•

Lộ trình tuyến xe buýt điện

Lượt đi: Vinhomes Grand Park - đường Nguyễn Xiển - đường Nguyễn Văn Tăng - đường Lê Văn Việt - đường D2B - đường D2 - đường Võ Chí Công - đường dẫn cao tốc (TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) - đường Mai Chí Thọ - đường Đồng Văn Cống - đường Phan Văn Đáng - đường Trương Văn Bang - đường Bát Nàn - đường Trần Quý Kiên - đường Mai Chí Thọ - hầm vượt sông Sài Gòn - đường Võ Văn Kiệt - đường Ký Con - đường Nguyễn Công Trứ - đường Pasteur - đường Hàm Nghi - đường Lê Lai - Bến xe buýt Sài Gòn.

Lượt về: Bến xe buýt Sài Gòn - đường Phạm Ngũ Lão - đường Yersin - đường Trần Hưng Đạo - đường Hàm Nghi - đường Nguyễn Thái Bình - đường Ký Con - đường Võ Văn Kiệt - hầm vượt sông Sài Gòn - đường Mai Chí Thọ - đường Trần Quý Kiên - đường Bát Nàn - đường Trương Văn Bang - đường Phan Văn Đáng - đường Đồng Văn Cống - đường Mai Chí Thọ - đường dẫn cao tốc (TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) - đường Võ Chí Công - đường D2 - đường D2B - đường Lê Văn Việt - đường Nguyễn Văn Tăng - đường Nguyễn Xiển - Vinhomes Grand Park. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm