Giao tranh Armenia-Azerbaijan thêm ác liệt mặc lệnh ngừng bắn

Ngày 11-10, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan do Nga làm trung gian, chiến sự ở Nagorno-Karabakh vẫn tiếp diễn khi cả hai bên đều cáo buộc bên còn lại thực hiện các cuộc pháo kích dữ dội nhằm vào các khu vực dân sự, theo kênh Channel News Asia.

Trước đó, hai bên đã đồng ý tạm dừng chiến tranh để trao đổi tù nhân và thi thể của những người thiệt mạng trong hai tuần giao tranh tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, vốn là nơi sinh sống của 150.000 người.

Lính cứu hộ được điều tới hiên trường sau cuộc pháo kích. Ảnh: AP

Bộ Ngoại giao Azerbaijan cho biết cuộc pháo kích trong đêm của lực lượng Armenia vào thành phố Ganja - thành phố lớn thứ hai của nước này đã khiến ít nhất bảy người chết và 33 người bị thương, bao gồm cả trẻ em. Theo phía Azerbaijan, cuộc tấn công này diễn ra sau chưa đầy 24 kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực.

Phóng viên của hãng tin AFP tại thành phố Ganja cho biết lính cứu hộ đã phải đào bới đống mảnh vỡ bằng tay không với hy vọng tìm được những người còn sống sót.

Một nhân chứng cho biết họ bị đánh thức bằng một vụ nổ lớn vào buổi sáng. Vụ nổ này đã san bằng toàn bộ dãy nhà và khiến chín căn hộ một và hai tầng chìm trong đống đổ nát.

"Những tài sản mà tôi phải làm việc cả đời mới có được đều đã bị phá hủy hoàn toàn” - ông Zagit Aliyev, 68 tuổi, sống ở khu vực này cho biết.

Armenia cáo buộc Azerbaijan "nói dối trắng trợn"

Thỏa thuận ngừng bắn được thống nhất sau các cuộc đàm phán kéo dài do Nga làm trung gian đã chính thức có hiệu lực vào trưa 10-10. Tuy nhiên, cả hai bên gần như ngay lập tức cáo buộc nhau vi phạm.

Hôm 11-10, Bộ Quốc phòng Armenia khẳng định nước này tôn trọng lệnh ngừng bắn nhân đạo. Đồng thời, phía Armenia gọi việc Azerbaijan đổ trách nhiệm gây ra cuộc pháo kích ở Ganja cho mình là "lời nói dối trắng trợn" và cáo buộc ngược lại phía Azerbaijan mới là bên gây ra cuộc tấn công.

Tối cùng ngày, Bộ Quốc phòng Armenia cho biết các lực lượng phòng vệ của mình đã phải đáp trả "quyết liệt" sau khi các lực lượng Azerbaijan "tiến hành các cuộc tấn công" bằng "xe bọc thép và tên lửa".

Ông Arayik Harutyunyan - lãnh đạo tại vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh cho biết các bên tranh chấp đã "bình tĩnh hơn" vào ngày 11-10. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng thỏa thuận ngừng bắn là rất "bấp bênh".

Ông Josep Borrell - Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) cho biết EU có "mối quan ngại đặc biệt" về việc các bên tiếp tục các hoạt động quân sự nhắm vào các mục tiêu dân sự và gây nhiều thương vong cho dân thường". Ông cũng yêu cầu hai bên ngay lập tức tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn.

Ông Vahram Poghosyan - phát ngôn viên của nhà lãnh đạo tại vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh cho biết các cuộc pháo kích qua đêm vào Ganja là "sự thiếu tôn trọng các thỏa thuận đã đạt được ở Moscow", đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế xác định nền độc lập của khu vực này như một cách để chấm dứt các hành động thù địch.

Azerbaijan: Ngừng bắn chỉ "tạm thời"

Hôm 10-10, một quan chức cấp cao của Azerbaijan cho biết thỏa thuận ngừng bắn chỉ mang ý nghĩa "tạm thời" và cho biết Baku "không có ý định lùi bước" trong nỗ lực giành lại quyền kiểm soát Karabakh.

Các cuộc giao tranh đã làm dấy lên các lo ngại về một cuộc chiến toàn diện bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia ủng hộ Azerbaijan và Nga - quốc gia có hiệp ước quân sự với Armenia.

Trong một bài đăng trên Twitter, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đổ lỗi cho Armenia vi phạm lệnh ngừng bắn và phạm "tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người".

Hôm 11-10, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi "thực hiện nghiêm túc" thỏa thuận Moscow.

Armenia và các nhà lãnh đạo thế giới bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án việc triển khai các chiến binh thân Thổ Nhĩ Kỳ từ Syria và Libya để hỗ trợ quân đội Azerbaijan.

Thông qua một video cho thấy các thi thể đang mặc trang phục quân sự và một người đàn ông đứng sau máy quay nói bằng tiếng Ả Rập, Bộ Quốc phòng Armenia đã khẳng định đây là bằng chứng lính đánh thuê Syria đang chiến đấu với lực lượng của Baku.

Dù Pháp, Nga và Mỹ đã tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột Karabakh trong nhiều thập niên nhưng vẫn không ngăn chặn được các cuộc giao tranh lẻ tẻ. Phía Baku với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ dường như tiếp tục can thiệp quân sự ở khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Armenia Zohrab Mnatsakanyan sẽ đến Moscow vào ngày 12-10 để gặp đại diện của ba nước Pháp, Nga và Mỹ, người phát ngôn của ông nói với hãng tin AFP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới