Mới đây, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã một lần nữa mở phiên xử giám đốc thẩm, tuyên hủy hai bản án sơ, phúc thẩm trong vụ ông Lê Cao Tánh kiện yêu cầu hủy quyết định sa thải của Trường THPT bán công Nguyễn Du, giao hồ sơ cho TAND TP Đà Lạt xét xử sơ thẩm lại từ đầu.
Bị sa thải vì tát học sinh
Theo hồ sơ, tháng 12-2004, ông Tánh được hiệu trưởng Trường THPT bán công Nguyễn Du (nay là Trường THCS Nguyễn Du, TP Đà Lạt, Lâm Đồng; gọi tắt là Trường Nguyễn Du) ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.
Sáng 12-12-2006, một học sinh lớp 10 đã xúc phạm ông Tánh trước đám đông. Ông Tánh đưa học sinh này về phòng giám thị của trường và hỏi lý do thì em học sinh này trả lời quanh co. Không giữ được bình tĩnh, ông đã tát vào mặt làm em học sinh này chảy máu mũi.
Vài ngày sau ông Tánh bị hiệu trưởng ra quyết định tạm đình chỉ công tác. Sau đó nhà trường đã đề nghị Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng xem xét, quyết định hình thức kỷ luật ông Tánh. Đầu năm 2007, căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Sở GD&ĐT tỉnh, hiệu trưởng Trường Nguyễn Du đã ra quyết định sa thải ông Tánh.
Không đồng ý, ông Tánh khiếu nại. Tháng 7-2007, ông khởi kiện vụ án lao động ra TAND TP Đà Lạt. Trong đơn khởi kiện, ông yêu cầu tòa hủy quyết định sa thải của hiệu trưởng Trường Nguyễn Du, buộc nhà trường bố trí cho ông làm việc trở lại, đồng thời bồi thường cho ông các khoản thiệt hại phát sinh.
Ông Lê Cao Tánh, người hơn 10 năm qua vẫn miệt mài theo đuổi vụ kiện của mình. Ảnh: CD
Không thuộc trường hợp sa thải
Sau đó cả TAND TP Đà Lạt lẫn TAND tỉnh Lâm Đồng xử sơ, phúc thẩm lần đầu đều tuyên phía Trường Nguyễn Du thắng kiện.
Ông Tánh khiếu nại giám đốc thẩm. Tháng 6-2011, lãnh đạo VKSND Tối cao đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Tòa Lao động TAND Tối cao đưa vụ án ra xử giám đốc thẩm theo hướng hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm lần đầu.
Theo quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, hành vi đánh học sinh của ông Tánh chỉ có thể bị xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức khiển trách hoặc kéo dài thời hạn nâng lương hay chuyển công việc khác trong thời hạn tối đa sáu tháng theo điểm a, điểm b khoản 1 Điều 84 Bộ luật Lao động 1994 (sửa đổi, bổ sung các năm 2002 và 2006). Việc Trường Nguyễn Du sa thải ông Tánh là không đúng.
Tháng 9-2011, Tòa Lao động TAND Tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Đà Lạt xét xử sơ thẩm lại.
Hai năm sau, TAND TP Đà Lạt mở phiên tòa sơ thẩm lần hai. Căn cứ vào Điều 85 Bộ luật Lao động 1994 (sửa đổi, bổ sung các năm 2002 và 2006), tòa cho rằng hành vi vi phạm của ông Tánh không thuộc trường hợp xử lý kỷ luật sa thải nên quyết định sa thải của Trường Nguyễn Du không đúng quy định.
Bị sa thải, trở thành luật sư Sau gần 11 năm, từ một thầy giáo bị sa thải, ông Lê Cao Tánh đã quyết đi tìm công lý cho chính mình bằng cách theo học luật, học nghiệp vụ luật sư và trở thành luật sư để đứng ra tự bảo vệ cho chính mình trong vụ kiện giữa ông với Trường Nguyễn Du. Ông luôn tin rằng vụ án của mình sẽ có hồi kết và tòa án sẽ có phán quyết chuẩn xác, công bằng, đúng pháp luật. |
Từ đó tòa tuyên buộc nhà trường phải nhận ông Tánh trở lại làm việc, thanh toán cho ông số tiền lương từ ngày bị đuổi việc oan cho đến thời điểm xử sơ thẩm lần hai (khoảng 232 triệu đồng), đồng thời khôi phục mọi chế độ bảo hiểm cho ông. Ngoài ra, tòa còn buộc nhà trường phải đăng lời xin lỗi ông Tánh trên báo trung ương và địa phương ba kỳ liên tiếp.
Trường Nguyễn Du kháng cáo. Tháng 1-2014, TAND tỉnh Lâm Đồng xử phúc thẩm lần hai đã sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Trường Nguyễn Du, bác các yêu cầu khởi kiện của ông Tánh.
Ông Tánh lại khiếu nại giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm nói trên. Tháng 11-2016, viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM xem xét lại bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng.
Gần đây, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên giám đốc thẩm và tuyên hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm lần hai để xét xử sơ thẩm lại như đã nói.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án kéo dài cả hơn thập niên mà chưa xong này có diễn tiến mới.
Quy định liên quan Hình thức xử lý kỷ luật sa thải chỉ được áp dụng trong những trường hợp sau đây: a) Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp; b) Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương, chuyển làm công việc khác mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm; c) Người lao động tự ý bỏ việc năm ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng. (Theo khoản 1 Điều 85 Bộ luật Lao động 1994, |