Sắp tới đây một số quy định mới sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Giáo viên cấp 1, 2, 3 đều phải có bằng đại học trở lên
Luật giáo dục 2019 (có hiệu lực từ ngày 01-7-2020) quy định thay đổi về Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo. Tại Điều 72 quy định nhà giáo phải:
“a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;
b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;
c) Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ”.
Như vậy, so với Luật Giáo dục năm 2005 Luật giáo dục 2019 đã nâng trình độ giao viên. Cụ thể giáo viên mầm non từ “có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm trở lên” lên phải có bằng “tốt nghiệp cao đắng trở lên”. Giáo viên tiểu học (cấp 1) từ “Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm” nâng lên thành “Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên”. Giáo viên trung học cơ sở (cấp 2) từ “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm” nâng lên thành “Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”. Nhà giáo giảng dạy trình độ đại học từ “có bằng đại học” lên thành phải có “bằng thạc sĩ”.
Nhiều thầy cô tỏ ra băn khoăn khi Luật giáo dục 2019 có hiệu lực, những thầy cô đang giảng dạy có trình độ chưa đạt chuẩn sẽ xử lý như thế nào? Việc này Quốc hội giao cho Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc sử dụng nhà giáo trong trường hợp không đáp ứng được quy định.
Tỷ lệ % tổn thương não gây di chứng sống kiểu thực vật là 99%
Ngày 28-8-2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư 22/2019/TT-BYT quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần (có hiệu lực từ ngày 1-11-2019).
Điểm mới là tỷ lệ phần trăm tổn thương não gây di chứng sống kiểu thực vật là 99% so với quy định hiện hành là 100%. Tỷ lệ trên được xác định trên nguyên tắc tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của 01 người phải nhỏ hơn 100% (quy định hiện hành là không vượt quá 100%).