Giáo viên mầm non tư thục chật vật mưu sinh

Tháng 5, dịch COVID-19 tại TP.HCM bùng phát. Các trường học phải đóng cửa. Sau gần năm tháng, dịch đã phần nào được kiểm soát nhưng học sinh vẫn chưa thể đến trường. Hơn 1,4 triệu học sinh TP phải bắt đầu năm học mới trên môi trường Internet. Trong khi đó, bậc mầm non với đặc thù phải học trực tiếp chưa biết bao giờ có thể đi học lại trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

Phải làm đủ nghề bấp bênh để kiếm sống

Sau khi ra trường, cô Lệ Hiễn tìm cho mình một công việc tại một trường mầm non tư thục. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn ra khiến cuộc sống trở nên bấp bênh.

Ban đầu, cô làm việc cho Trường Mầm non Worldkids ở quận Bình Tân. Năm ngoái, dịch bùng phát, trường đóng cửa nên cô phải nghỉ việc. Sau đó khi tình hình ổn hơn, cô xin vào làm cho Trường Little People tại quận Phú Nhuận nhưng mới được một thời gian ngắn lại phải nghỉ.

Cô giáo Lệ Hiễn trong một giờ dạy online tại nhà. Ảnh: NVCC

151 cơ sở giáo dục mầm non tư thục phải giải thể

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, đến nay có ít nhất 151 cơ sở giáo dục mầm non tư thục đã giải thể vì không trụ nổi sau dịch bệnh. Hơn 12.300 GV, nhân viên bị mất việc, 82% trong số này là GV mầm non. 

Thời gian đầu, để trang trải cho cuộc sống, cô Lệ Hiễn tự chế biến một số món ăn vặt bán online. Tuy nhiên, khi TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 thì cô phải ngưng công việc do không mua được nguyên liệu để tiếp tục chế biến.

Vốn có năng khiếu về nghệ thuật, cô Lệ Hiễn chuyển qua vẽ tranh treo tường để bán. Tuy vậy, thu nhập không được bao nhiêu vì người quen mua ủng hộ là chủ yếu. Gần một tháng trở lại đây, để không quên nghề, cô kết hợp với một thầy giáo mở lớp dạy online. Lớp học chủ yếu dạy vẽ, làm đồ chơi tại nhà, tận dụng từ các nguyên liệu có sẵn. Mỗi lớp chỉ bốn đến năm bé, một buổi học chỉ 40.000 đồng. “Tôi hy vọng qua những giờ dạy, các bé sẽ được học thêm một số kỹ năng. Tuy nhiên, việc dạy học như thế này cũng không bền vững” - cô Lệ Hiễn tâm sự.

Hiện cô đang sống cùng gia đình anh trai, dịch bệnh nên anh chị cũng bị cắt giảm thu nhập, mọi thứ đều trở nên khó khăn hơn trước. “Tôi không phải thuê trọ, mới chỉ có một mình đã thấy chật vật, các giáo viên (GV) khác phải chăm lo cho gia đình sẽ vất vả hơn. Dù rất yêu trẻ nhưng với tình hình hiện nay có thể sau khi dịch được kiểm soát, tôi sẽ chuyển hướng đi học nghề, không thể bám trụ thế này mãi được. Gắn bó với nghề chăm trẻ được ba năm nhưng đã mấy lần tôi phải nghỉ do dịch, lương không có. Không chỉ tôi mà nhiều GV khác cũng có ý định tương tự” - cô Lệ Hiễn trải lòng.

“Tụi em sống rất chật vật trong mùa dịch” - đó là tâm sự thật lòng của cô Nguyễn Chí Linh, GV một trường mầm non tư thục ở quận 8. Dịch bệnh trường phải đóng cửa, cô Linh cũng nghỉ việc từ đó. Chủ trường cũng vất vả, phải lo toan nhiều quá nên không hỗ trợ được gì cho nhân viên. Trong thời gian nghỉ việc, cô Linh bán các loại nước uống để có thêm thu nhập nhưng khi dịch bệnh trở nên căng thẳng, cô cũng phải nghỉ bán.

“May mắn hơn đồng nghiệp là tôi ở TP, có nhà nên cũng không phải lo chuyện phòng trọ, nếu không sẽ không biết phải xoay xở thế nào khi phải nghỉ dạy quá lâu rồi.

Hiện tôi vẫn muốn bám trụ với nghề nên đang đăng tin nhận đến nhà chăm sóc trẻ để cha mẹ yên tâm đi làm. Tuy vậy, việc này không hề dễ dàng vì phụ huynh đặt ra rất nhiều yêu cầu, bên cạnh đó do đang có dịch nên phụ huynh cũng e dè. Tôi cũng chỉ mong dịch nhanh được kiểm soát để có thể trở lại trường, tiếp tục gắn bó với nghề” - cô Linh tâm sự.

Chủ trường lao đao, giáo viên mỏi mòn chờ trợ cấp

Trường Mầm non Mỹ Đức, quận 12 có hai cơ sở với hơn 30 nhân sự do cô Nguyễn Hoàng Lăng Viên làm chủ. Cả hai cơ sở đều phải thuê mặt bằng, mỗi tháng cô Viên vẫn phải chi gần 100 triệu đồng tiền thuê mặt bằng dù hai cơ sở đã phải đóng cửa gần năm tháng qua.

Cô Viên cho biết đến nay, các GV của trường vẫn chưa nhận được khoản trợ cấp của TP dù cô đã làm đầy đủ thủ tục theo yêu cầu. “Cứ mỗi lần gọi hỏi cơ quan chức năng, họ lại nói chờ giải quyết. Chờ đợi mỏi mòn không có tin tức gì nên GV cũng không trông mong... Tôi hứa khi trường hoạt động trở lại sẽ hỗ trợ cho các cô một phần nào đó. Tôi rất đau lòng khi không thể hỗ trợ cho các cô giáo nhiều hơn, ngay cả tôi giờ cũng không hơn gì khi đang cố xoay để trả tiền thuê mặt bằng” - cô Viên nói.

Mấy tháng nghỉ dịch, cô Viên cũng buôn bán rau củ online. Một tuần vài lần, cô lại ra bến xe để nhận rau củ quả từ Đà Lạt gửi xuống rồi rao bán online với hy vọng cầm cự qua đợt dịch COVID-19, chờ ngày mở lại trường.

“Năm ngoái, tôi còn có chi phí hỗ trợ cho GV phần nào đó, còn năm nay, khó khăn quá nên không thể hỗ trợ tiền nữa. Tôi chỉ hỗ trợ phần nào đó về nhu yếu phẩm. Là chủ trường, không lo được cho nhân viên, tôi cũng rất trăn trở, song với tình hình hiện nay để có thể giữ được trường cũng là điều nan giải. Tôi sẽ cố gắng vay mượn để duy trì trường đến hết tháng 12. Nếu qua tháng 12, trường học vẫn chưa thể mở cửa, tôi sẽ phải sang nhượng lại vì không còn đủ sức nữa dù xây dựng nên ngôi trường là tình yêu, tâm huyết của tôi” - cô Viên bộc bạch.

Cùng chung cảnh ngộ, chủ một trường tư thục tại quận Tân Bình cũng cho biết dù nghỉ dịch nhưng trường vẫn cố gắng tìm mọi cách xoay xở trả lương cho GV bằng tiền vay ngân hàng. Trong đó, tháng 5 trả 50% lương, tháng 6 và 7 là 30% lương. Đa phần GV đều giỏi và nhiệt tình nên trường cũng muốn tìm cách giữ chân.

Để cầm cự tới giờ, chủ trường cho hay chị cũng phải bán hàng online từ những thực phẩm sạch ở quê với hy vọng dịch mau qua để có thể trở lại trường. Các mặt hàng từ rau củ quả, thậm chí là hàng tươi sống như tôm, cua, cá chị nhập từ quê lên TP để bán cho phụ huynh lẫn người dân bên ngoài.

Cần linh hoạt trong thủ tục để giáo viên mầm non nhanh chóng nhận được hỗ trợ

Ngành giáo dục, công đoàn đã có nhiều chương trình giúp đỡ, hỗ trợ GV mầm non. Theo đó, hơn 7.500 GV nhận được hỗ trợ với gần 15 tỉ đồng tại các quận, huyện. Tuy nhiên, báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM ngày 22-9, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam cho biết nhiều GV chưa nhận được hỗ trợ.

Chính sách, thủ tục hỗ trợ cần thực hiện linh hoạt, nhanh chóng và hiệu quả hơn” - ông Lê Hoài Nam đề xuất. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới