Giáo viên nhận định: Đề thi Ngữ văn khó lấy điểm cao

(PLO)- Đề thi có cấu trúc tương tự như các năm tuy nhiên để lấy điểm cao không hề dễ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhận xét đề thi Ngữ văn năm nay, cô Nguyễn Ngọc Phù Dung, nhóm trưởng Ngữ văn khối 9, Trường THCS Lạc Hồng, quận 10 cho rằng đề thi khá nhẹ nhàng với thí sinh, phù hợp với điều kiện dạy và học trong tình hình dịch bệnh như năm nay.

Thí sinh rạng rỡ sau bài thi môn văn. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cụ thể, về cấu trúc, đề thi có ba câu tương tự như những năm trước. Riêng câu ba trong phần lựa chọn có lồng hình ảnh về thời gian vào sẽ có hiệu quả về thị giác cho thí sinh hơn. Thứ hai, theo cô Dung, phạm vi kiến thức đề tập trung hết ở học kì 2 của lớp 9, đều là kiến thức các em mới học và ôn nên sẽ nhớ rất kỹ và làm tốt vì đây là thời gian các em được học trực tiếp.

Ở câu một, các câu hỏi hoàn toàn là dạng nhận biết kiến thức nên các em dễ dàng lấy trọn 3 điểm. Như bài thơ Sang Thu ở phần làm văn, cũng là một trong bốn tác phẩm ở học kỳ hai nên không khó với các em. Còn nghị luận xã hội nói về sự trưởng thành cũng là dạng đề các em đã được ôn khá nhiều, cách ra đề cũng như mọi năm là dạng câu hỏi nên không xa lạ với các em khi làm bài.

Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi tại điểm thi THPT Trưng Vương. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi tại điểm thi THPT Trưng Vương. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Đề thi ra đúng như thông tin từ Sở GD&ĐT trước đó, giúp các em thấy nhẹ nhàng và kiến thức mới học nên làm bài tốt hơn. Với đề này, tôi nghĩ các em dễ lấy được từ 7, 8 trở lên nếu học bài đầy đủ và nắm kiến thức. Tuy nhiên để được điểm cao tuyệt đối cũng sẽ khó vì ở phần làm văn, để cảm nhận thơ tốt khó hơn làm dạng văn xuôi. Cả ở phần nghị luận xã hội cũng vậy, để diễn đạt và dẫn chứng tốt để có điểm tối đa cũng không phải là dễ” - cô Dung chia sẻ.

Trong khi đó, Hiệu trưởng một trường THCS ở quận 11 có chuyên môn về môn văn đánh giá đề thi năm nay khó hơn những năm trước đặc biệt khi các em phải học online trong một thời gian dài.

Cô này phân tích, về cấu trúc đề thi vẫn như các năm trước gồm 3 phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Phần nghị luận văn học đề cập đến bài Sang Thu không khó đối với học sinh. Tuy nhiên phần nghị luận xã hội và phần đọc hiểu sẽ khó cho các em. Đặc biệt phần nghị luận xã hội với yêu cầu của đề đề cập đến thời gian của sự trưởng thành và viết trong vòng 500 chữ. "Đây là điểm mới của đề thi. Những năm trước phần nghị luận xã hội chỉ yêu cầu viết 1 trang giấy, nay với 500 chữ trong một khoảng thời gian nhất định đòi hỏi thí sinh phải có chiều sâu trong suy nghĩ mới có thể viết được. Với đề thi này để đạt điểm 8 và 9 đòi hỏi các em phải thật sự xuất sắc. Phổ điểm sẽ tập trung ở mức điểm 6 đến 6,5 điểm", vị này nói thêm.

Cô Nguyễn Mai Loan, giáo viên trường THCS - THPT Hai Bà Trưng, quận Tân Bình đánh giá đề thi hay, có tính liên kết giữa các phần và phát huy tính sáng tạo của học sinh.

Cấu trúc không thay đổi với tập huấn chuyên môn của SGD. Đề vẫn gồm 3 phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Đề không hề đánh đố, dữ liệu rõ ràng,các câu lệnh rất hay.

Điểm đặc biệt của đề thi năm nay là các câu hỏi có liên kết : từ câu 1, câu 2 đến câu 3 đều " mắc xích" với nhau thành một mạch thống nhất. Các câu lệnh rất hay.

Đối với phần nghị luận văn học, với đề số 1 về bài thơ Sang Thu có ngữ liệu rõ ràng, các em trung bình,yếu vẫn có thể phân tích được. Còn đề số 2 rất hay, phát huy được khả năng sáng tạo và đề cập đến "văn hoá đọc"đang rất cần lan tỏa ở học sinh TP.

“Đề thi có tính phân loại học sinh. Học sinh khá, giỏi sẽ có “đất” để thể hiện năng lực của mình trong khi đó học sinh trung bình, yếu cũng dễ kiếm được điểm”, cô Mai Loan nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm