Gieo xuyên Việt- Hành trình gieo yêu thương

Nhắc lại những ngày làm dự án ở Lý Sơn, Mai Hà, người phụ trách những hoạt động Gieo cho trẻ em vẫn vô cùng xúc động. Dịp gần trung thu, với các em thiếu nhi bốn ngày và biết được các em rất thích đi rước đèn, Gieo đã cùng các em làm lồng đèn rồi cùng nhau rước đèn thành một hàng dài quanh những con đường trên đảo.

 “Đây là ngày hạnh phúc nhất đời con!”

“Tối đó mình đi chung với một em nhỏ, em nắm tay mình và nói: Mình có thể cứ như vậy mà đi đến hết hòn đảo được không cô? Đi hết đêm luôn? Đây là ngày hạnh phúc nhất đời của con!”, Hà kể khi nghe câu đó cô đã xúc động đến phát khóc.

Hình ảnh xúc động tại BV Trung ương Huế

Hình ảnh xúc động tại BV Trung ương Huế. Nhiều người bế con ra hành lang bệnh viện để ngắm những chú chim gấp bầng giấy. Ảnh: TOA TÀU.

Những ký ức mà Hà vẫn mãi lưu giữ là ánh mắt háo hức, chờ đợi được chơi trò chơi của những em nhỏ ở Đồng Tháp; vẻ hí hửng của các em khi dạy điệu múa nông thôn của dân tộc các em cho mọi người ở Gieo. Rồi bọn trẻ ở đảo Lý Sơn chơi rủ mấy anh chị đi chơi chùy (như chơi cầu trượt ở TP).  “Cầu trượt của bọn trẻ con ở đó là mấy tảng đá lớn, rong rêu bám đầy. Tụi nhỏ trèo lên rồi trượt xuống và gọi đó là cầu trượt”, Hà kể.

Hà cũng kể rằng, các em nhỏ trong trẻo đến mức khi các em tìm được kho báu có dòng ghi dòng chữ: “Em là kho báu!” thì có em đã thốt lên rằng: “Thiêng liêng quá!”. Hà chia sẻ đó là một trong những khoảnh khắc khiến mình rớt nước mắt... “Mình đã ước gì có thể ở đây để làm cô tổng phụ trách đội của làng này mãi mãi. Mà đến làng nào mình cũng nói như vậy hết vì bọn trẻ con ở đó rất dễ thương, có mối liên kết rất gắn bó, mạnh mẽ và thuần khiết đến nỗi mình chỉ muốn ở lại đó”, Hà tâm tình.

dự án gieo 2

Những chiếc bóng mò o được thắp lên ở một làng nghề Phú Yên khiến các thành viên của Gieo mê mẩn. Ảnh: TOA TÀU. 

Còn với Cúc Cu, điều đọng lại và khiến Cúc Cu nhớ mãi là những ngày ở BV Trung ương Huế. Đó là hình ảnh những em nhỏ đang nằm ở khoa nhi, tay thì truyền máu nhưng vẫn ráng cầm bút để vẽ, gấp giấy Origami... “Có em hôm sau bệnh nặng hơn nên không đến được, có em sau khi vô thuốc thì không nhớ được hôm qua em đã tham gia cùng mọi người, đã làm những gì. Nhìn các em vui vẻ chơi lại trò chơi mà mình xót xa. Điều đó giúp mình quý trọng hơn từng khoảnh khắc được sống”, Cúc Cu chia sẻ.

Những câu chuyện đằng sau chiếc máy ảnh

Không chỉ đi góp nhặt những câu chuyện thật đời, Gieo còn tạo cơ hội để bất kì ai cũng được một lần chạm tay vào nghệ thuật.

Anh Đỗ Hiếu Chí (Đồng sáng lập Toa Tàu, Trưởng dự án Gieo) kể rằng khi đến BV Trung ương Huế, Gieo cũng làm những trò chơi cho mọi người. “Khoảnh khắc mình xúc động nhất là các bệnh nhân mang theo cả những cây truyền xuống chơi. Họ đang cảm thấy không khỏe nhưng ở đây vui quá nên đến...”, anh nói.

gieo đồng tháp

Khung cảnh được Giao dựng nên tại Đồng Tháp với nhiều hoạt động kết nối dành cho trẻ con và cả người lớn. Ảnh: TOA TÀU. 

Anh Chí kể, đến trò chơi chụp ảnh, khi mọi người đưa máy ảnh cho một bệnh nhân tên Bình và khuyến khích chú hãy chụp lại những gì mình thích... thì chú chụp những bình ô xy. “Tấm ảnh chú gửi lại bọn mình là những bình ô xy ở BV. Chú đề thêm vào tấm ảnh dòng chữ: “Nhìn mấy bình ô xy giúp duy trì sự sống khắp BV này, chú nghĩ còn thở được là quan trọng”.

Đảm nhận chương trình Gieo dành cho người lớn, chị Phiên Nghiên chia sẻ câu chuyện của chú Tư Tèo Tèo ở Bến Tre. Khi được đưa cho cái máy chụp hình, chú đã chụp khoảnh khắc bọn trẻ đang chơi đùa hồn nhiên. Chị Nghiên kể, khi hỏi chú sao lại chụp bức hình đó thì chú trả lời: “Taị thấy cái này vui lắm”.

Những đứa trẻ ở đảo Lý Sơn

Những đứa trẻ ở đảo Lý Sơn háo hức trong các trò chơi do Gieo mang đến. Ảnh: TOA TÀU.

 “Việc trao cho bất kì ai một công cụ, phương tiện để biểu đạt cảm xúc của họ thì ngay lập tức họ có cơ hội hé mở để người khác nhìn vào bên trong họ, thấy câu chuyện và cảm xúc của họ”, anh Chí nói về điều mà mình cảm nhận được.

Những điều mà Gieo mang về từ chính hành trình của mình, thật sự khiến con người ta phải thổn thức! Đó là những khoảnh khắc, con người rất đỗi bình dị trong cuộc sống.

 

gieo tổ chức triển lãm tại sài gòn
Kết thúc hành trình 45 ngày, Gieo tổ chức triển lãm tại Sài Gòn. Trong ảnh: Nhiều bạn trẻ đến triển lãm để nghe kể về câu chuyện của Gieo qua những bức hình, hiện vật. Ảnh: LA HIÊN. 


Từ 2 đến 10-12, triển lãm “Không gian triển lãm và trải nghiệm Gieo” đã mang đến không gian nghệ thuật ấn tượng với gần 500 tác phẩm nghệ thuật là hình ảnh, hiện vật được chắt lọc, tái hiện lại hành trình xuyên Việt 45 ngày đến 9 tỉnh thành của Gieo.

Gieo là dự án cộng đồng, được tài trợ bởi chính cộng đồng. Gieo mang những trải nghiệm nghệ thuật nhằm khơi mở các giá trị sáng tạo, kết nối và chữa lành đến với nhiều nhóm cộng đồng đa dạng. Các hoạt động sáng tạo nghệ thuật được Gieo thiết kế riêng cho từng nhóm cộng đồng, giúp mọi người dễ dàng biểu đạt cảm xúc và suy nghĩ, kể câu chuyện của mình. Thông qua các công cụ nghệ thuật khác nhau như tranh, ảnh, phim, bài viết, Gieo lưu giữ và lan tỏa những câu chuyện chân thật, đầy màu sắc về đời sống của người dân Việt Nam. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm