Những thầy cô không bao giờ ‘chịu đứng yên’

Dù mới triển khai nhưng việc dạy học theo dự án đã được nhiều thầy cô trên địa bàn TP.HCM hưởng ứng nhiệt tình. Vất vả và phải đầu tư nhiều thời gian nhưng hoạt động này đem đến sự hứng thú và những trải nghiệm thực tế cho cả thầy lẫn trò.

“Tiếng gọi từ biển”

Về trường giảng dạy chưa lâu nhưng thầy Hoàng Long Trọng, tổ trưởng tổ ngữ văn, Trường THCS Văn Lang, quận 1, đã để lại dấu ấn cho nhiều học sinh (HS) bởi cách dạy thực tế và những dự án mang tính xã hội.

Dự án “Chuyện đời quanh em” hay “Chuối nghĩa tình” được thầy thực hiện trong năm 2016 đã để lại ấn tượng đặc biệt. Năm học 2017, thầy tiếp tục thực hiện dự án “Tiếng gọi từ biển”. Thầy Trọng cho biết hiện HS ít có sự quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường biển cũng như chủ quyền biển, đảo. Vì vậy, thầy muốn làm một dự án để HS có thể nhìn nhận rõ hơn về hai vấn đề trên, từ đó có nhận thức cũng như hành động đúng.

Thầy Trọng cho hay dự án đã nhận được sự hỗ trợ từ ban giám hiệu nhà trường, từ sự hưởng ứng tham gia của Huyện đoàn Cần Giờ và sự hợp tác cùng thực hiện dự án của nhiều trường THPT và THCS tại Cần Giờ.

Dự án đã được thực hiện từ cuối tháng 10 và sẽ kéo dài trong khoảng thời gian hai tháng nhưng ngắt quãng và không liên tục. Dự án sẽ trải qua bốn giai đoạn, trong đó việc trải nghiệm thực tế đóng vai trò quyết định sự thành công của dự án. Các em sẽ có chuyến đi tại biển Cần Giờ, ở đó mỗi em sẽ thu gom rác, tìm hiểu về biển, vẽ tranh phong cảnh biển… Sau đó, với những gì đã thu nhận được, các em sẽ làm nên những sản phẩm như tranh 3D về biển Cần Giờ, các bài nghị luận xã hội, những bộ truyện tranh nhỏ xinh với chủ đề “Đối thoại với biển”…

Cũng theo thầy Trọng, các em đều cảm thấy hào hứng khi được tham gia dự án và háo hức với chuyến trải nghiệm sắp tới. “Dự án sẽ củng cố tình yêu biển, đảo quê hương nơi HS, sẽ giúp các em nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển. Và đặc biệt, qua dự án, những kiến thức của bộ môn được chuyển tải đến HS sẽ “mềm” hơn, nhẹ nhàng và thú vị hơn” - thầy Trọng nói.

Cô và trò Trường Tiểu học Phùng Hưng đang trao đổi về dự án “Sài Gòn - đi để yêu”. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Ươm mầm yêu thương”

Thay vì ngồi học tại lớp, các em HS Trường Tiểu học Ngôi Nhà Thông Thái, quận Bình Thạnh lại được ra vườn chăm sóc cây rau muống, tưới nước từng luống rau cải. Trên khuôn mặt các em hiện rõ sự hào hứng, vui tươi. Đây là một trong những hoạt động của dự án “Ươm mầm yêu thương” đang được ThS Vũ Hoàng Sơn cùng các giáo viên và học trò của trường thực hiện.

Từ những hạt rau cải, rau muống, chính tay các em sẽ gieo mầm yêu thương, chăm sóc từng luống rau. Trong đó, HS khối 3, 4, 5 sẽ gieo hạt, lên phác đồ tăng trưởng và chăm sóc cây mỗi ngày, còn HS khối 1, 2 sẽ tưới cây. Đến khi thu hoạch, tình yêu đó sẽ lan tỏa ra ngoài cộng đồng khi số tiền có được từ việc bán rau sẽ được dùng làm từ thiện.

Thầy Sơn cho biết thầy cảm thấy vui vì dự án nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ nhiệt tình từ cô chủ trường lẫn ban giám hiệu nhà trường. Chỉ một dự án nhưng trẻ sẽ học được rất nhiều điều từ những kiến thức sinh học cho đến kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm. Đặc biệt là trẻ học được cách yêu thương, chia sẻ với mọi người.

“Sài Gòn - đi để yêu”

Đây là dự án đang được câu lạc bộ tiếng Anh Trường Tiểu học Phùng Hưng, quận 11 thực hiện. Chia sẻ về dự án, cô Trương Hồ Trâm Anh, Phó Hiệu trưởng, cho biết Sài Gòn là mảnh đất các em sinh ra và lớn lên. Nơi đây có nhiều điều thú vị mà bản thân các em cần khám phá và trải nghiệm. Dự án “Sài Gòn - đi để yêu” sẽ hướng dẫn các em trải nghiệm bằng chính những chuyến đi thực tế qua các danh lam thắng cảnh, di tích tại Sài Gòn. Từ việc “đi” sẽ giúp các em “yêu” thêm TP. Bên cạnh đó, các em sẽ dùng kiến thức mà mình đã trải nghiệm cùng vốn tiếng Anh được học ở nhà trường để tạo thành những bài giới thiệu (sản phẩm cuối dự án) nhằm quảng bá du lịch Sài Gòn tới mọi người.

Cũng theo cô Trâm Anh, dự án đã nhận được sự hưởng ứng và hợp tác tham gia của 20 giáo viên thuộc các trường tiểu học và THCS trên cả nước. Dự án sẽ được thực hiện trong vòng hai tháng. Hiện dự án đang ở vào giai đoạn đầu, trong thời gian này giáo viên sẽ dạy những nội dung cần thiết để cuối dự án HS tạo nên sản phẩm thực tế.

Là một trong những thành viên của câu lạc bộ và cũng là người nảy ra ý tưởng thực hiện dự án này, cô Nguyễn Kim Hải My chia sẻ là giáo viên dạy tiếng Anh, cô nhận thấy trong trường trẻ ít có điều kiện để giao tiếp tiếng Anh. Vì thế, dự án sẽ là cơ hội để thay đổi hình thức, môi trường học tập mới và giúp các em rèn luyện tiếng Anh cũng như các kỹ năng giao tiếp.

Bản thân tôi quan niệm là giáo viên thì phải luôn sáng tạo, nếu không sáng tạo thì suốt đời anh chỉ là một người thầy bình thường. Hơn nữa, ngày xưa với kiểu học cũ, chỉ đánh giá dựa vào điểm số, quanh quẩn trong sách vở, lớp học nên tôi được “nuôi” như một con gà công nghiệp. Cho nên khi ra trường, lý thuyết có thừa nhưng kỹ năng sống lại thiếu. Vì thế tôi quyết tâm thay đổi cách dạy, không muốn các em đi theo “vết xe đổ” của mình.

Thầy HOÀNG LONG TRỌNG

Có một thầy giáo từng nói với tôi nếu anh không có tâm với nghề, không có lòng yêu trẻ, không chịu sáng tạo trong dạy học thì có lẽ các anh đã chọn sai đường. Lời thầy nói tôi luôn khắc ghi và cố gắng thực hiện. Tôi sẽ gieo tình yêu và sự thích thú của trò đối với việc học bằng những sáng kiến của mình.

Thầy VŨ HOÀNG SƠN

Thực tế việc dạy học dự án không đơn giản, lại càng không dễ dàng đối với những người còn thiếu kinh nghiệm như chúng tôi. Nó đòi hỏi một sự đầu tư về công sức lẫn thời gian, đòi hỏi sự trau dồi về kinh nghiệm cũng như kiến thức chuyên môn của người dạy. Dạy học dự án đòi hỏi giáo viên sáng tạo, tư duy thêm những kiến thức ngoài chương trình học, có tầm bao quát vấn đề. Thế nhưng chính sự thách thức đó khiến chúng tôi càng quyết tâm thực hiện và muốn được trải nghiệm dự án.

 NGUYỄN KIM HẢI MY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm