Giết tướng Iran, ông Trump đang ‘lợi bất cập hại’?

Ngay từ khi có thông tin tướng Qassem Soleimani của Iran bị Mỹ tiêu diệt đã xuất hiện câu hỏi về mức độ thận trọng của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cân nhắc hậu quả. Dù đồng tình đây là nhân vật nguy hiểm với Mỹ nhưng nhiều nhà quan sát vẫn cảnh báo việc giết ông này sẽ “lợi bất cập hại”.

Với diễn biến những ngày qua, nhà báo kỳ cựu Stephen Collinson, chuyên viết về Nhà Trắng, về chính trị Mỹ và thế giới, hiện làm việc cho đài CNN, cho rằng ông Trump đang có nguy cơ không kiểm soát nổi chuỗi phản ứng và cơn bão chính trị mà việc giết tướng Soleimani mang lại.

Chia rẽ bên trong

Ông Trump nói rằng giết tướng Soleimani giúp Mỹ an toàn hơn. Nhưng lời khẳng định này đang bị thách thức với hàng loạt diễn biến khiến Mỹ trở nên dễ tổn thương và cô lập hơn từ bên ngoài, cũng như chia rẽ từ bên trong.

Sau vụ việc, bên trong nước Mỹ xuất hiện nhiều câu hỏi: Thực hư chuyện ông Soleimani định tấn công Mỹ, thời điểm tiêu diệt, sự phối hợp bên trong chính phủ và việc ông không thông báo trước với Quốc hội (có quyền tuyên bố chiến tranh).

Nền tảng ông Trump vin vào để tiêu diệt tướng Soleimani bị nghi ngờ khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từ chối nói về tính xác thực việc tướng Soleimani có kế hoạch tấn công quyền lợi Mỹ. Ông Trump nói Iran có kế hoạch tấn công bốn đại sứ quán Mỹ nhưng ngày 12-1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper lại nói không thấy bằng chứng của việc này. Hạ viện Mỹ đang muốn thông qua một “nghị quyết về quyền lực chiến tranh để hạn chế các hành động quân sự của tổng thống với Iran”, như lời Chủ tịch Nancy Pelosi.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei (phải) gặp người thân tướng Soleimani tại Tehran ngay trong ngày tướng này bị tiêu diệt, 3-1. Ảnh: AP

Tổn thương, cô lập bên ngoài

Trả thù cho tướng Soleimani, Iran cho nã hàng chục tên lửa vào hai căn cứ Mỹ ở Iraq. Rồi trong bối cảnh báo động phòng không lo Mỹ trả đũa, Iran bắn nhầm một máy bay của Ukraine khiến 176 người chết. Iran thừa nhận sai lầm nhưng nói đó là hậu quả từ “chủ nghĩa phiêu lưu” của Mỹ.

Trước đó, trong nỗ lực giãn hơn khoảng cách cũng như cô lập Mỹ, sau khi tướng Soleimani bị giết, Quốc hội Iraq ra nghị quyết yêu cầu chính phủ buộc Mỹ rút quân khỏi đất nước. Bất lợi thêm cho ông Trump, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi nói tướng Soleimani đến Baghdad bàn giải pháp giảm căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia, chứ không phải để thực hiện chiến dịch bí mật gì.

Không chỉ Iraq mà các đồng minh châu Âu của Mỹ cũng tạo khoảng cách. Liên quân đánh khủng bố do Mỹ dẫn đầu đã tạm thời ngưng các chiến dịch, để dồn sức bảo vệ các căn cứ ở Iraq trước nguy cơ bị các nhóm dân quân thân Iran tấn công sau khi Mỹ giết tướng Iran.

Chính phủ Trump trước sau vẫn nói không muốn chiến tranh và không cố gắng thay đổi thể chế Iran. Nhưng lời khẳng định này không còn đáng tin với việc Mỹ loại trừ tướng Soleimani - nhân vật quyền lực thứ nhì Iran.

Nhà báo STEPHEN COLLINSON (Mỹ) 

Iran quyết kiện ông Trump

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr ngày 13-1 khẳng định ông Trump hoàn toàn có thẩm quyền ra lệnh tiêu diệt tướng Iran. Theo ông Barr, ông Soleimani là “một mục tiêu quân sự hợp pháp” khi bản thân và lực lượng của ông này đã thực hiện rất nhiều hành động bạo lực chống lại Mỹ. Vì thế, việc Mỹ không kích tiêu diệt nhân vật này là một “hành động phòng vệ hợp pháp”. Ông Barr cũng cho biết Nhà Trắng đã tham vấn chặt với Bộ Tư pháp trước khi ông Trump ra quyết định.

Phía Mỹ nói thế nhưng phía Iran thì tuyên bố quyết kiện ông Trump ra tòa án quốc tế. Trang tin Iran Front Pace dẫn lời Chánh án Tòa án Tối cao Iran Ebrahim Raisi ngày 13-1 cho biết ngành tư pháp đang làm việc với Bộ Ngoại giao nước này để đệ đơn kiện ông Trump với cáo buộc ám sát tướng Soleimani.

Theo ông Raisi, tướng Soleimani là biểu tượng chống khủng bố, do đó việc ám sát ông vi phạm “mọi luật lệ”. Ông Raisi kêu gọi các học giả luật lên tiếng về chuyện này, vì nếu bỏ qua thì sau này sẽ không thể làm gì khi có chuyện tương tự xảy ra.

Ông Raisi khẳng định Iran sẽ theo đuổi vụ kiện, bảo đảm đưa bằng được ông Trump ra trước tòa quốc tế, dù ông có hết nhiệm kỳ làm chánh án Tòa Tối cao Iran hay ông Trump có thôi làm tổng thống Mỹ.

Chưa biết sự việc sẽ diễn tiến thế nào, tuy nhiên trong một bài viết trên trang tin The Conversation (Úc), nhà báo kỳ cựu Misha Ketchell nhận xét chuyện Mỹ ám sát một chính trị gia mang lại một tiền lệ đáng ngại cho các vấn đề quốc tế. Tướng Soleimani là chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds, thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), chuyên phụ trách các chiến dịch bí mật bên ngoài lãnh thổ Iran. Tướng Soleimani được biết đến rộng rãi không chỉ là một nhân vật quân sự mà còn là một chính trị gia có quyền lực mạnh, chỉ đứng thứ hai sau người bạn thân là lãnh tụ tối cao Iran Ali Khameinei.

Theo ông Ketchell, việc giết tướng Soleimani không chỉ khiến Mỹ bị cho là không quan tâm đến các quy định, quy tắc quốc tế, mà còn là một tiền lệ để các nước khác có thể hành động tương tự trong tương lai. Tiền lệ này càng nguy hiểm với sự ổn định của toàn bộ hệ thống quốc tế trong bối cảnh trật tự thế giới đang hỗn loạn như hiện nay.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13-1 nói việc giết ông Soleimani là một phần của kế hoạch lớn hơn nhằm ngăn chặn các thách thức từ các kẻ thù của Mỹ, cũng áp dụng cho cả Nga và Trung Quốc.

Làm rõ hơn chuyện liên quan đến Nga, ông Pompeo nhắc đến chuyện Mỹ khôi phục hỗ trợ quân sự cho Ukraine để tăng khả năng phòng vệ trước lực lượng đòi ly khai ở miền Đông được Nga ủng hộ. Bên cạnh đó là việc ông Trump rút khỏi hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga, cũng như thử một tên lửa hành trình tầm trung mới của Mỹ.

Về Trung Quốc, ông Pompeo nhắc đến chuyện Mỹ tăng hoạt động hải quân ở biển Đông để đáp trả việc Bắc Kinh quân sự hóa vùng biển tranh chấp. Cuộc thương chiến với Trung Quốc và việc ông Trump quyết liệt đánh thuế nước này cũng là một phần của chiến lược ngăn chặn của chính phủ Mỹ, theo ông Pompeo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm