Trên các đường phố, công viên, khu vui chơi trẻ em... những hàng cây xanh hay thảm cỏ tạo ra không gian bình lặng, xanh mát...
Duy trì sự sống
Đã bao giờ bạn rảo bước dưới hàng cây xanh và cảm nhận sự tuyệt diệu mà nó mang lại chưa? Đó là mùi hương thanh thoát tỏa ra chỉ có ở cây cối, hít thở không khí trong lành và tận hưởng cảm giác thư thái, thanh bình. Không những vậy, chúng còn giúp tăng chất lượng sống của nhân loại bằng việc mang các yếu tố tự nhiên vào môi trường đô thị.
Hoạt động trồng cây tại chương trình do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tổ chức. Ảnh: NGỌC CHÂU
Bài học đầu tiên về sự hữu ích của cây xanh mà chúng ta được học tại trường là cung cấp oxy để con người duy trì sự sống. Cùng với đó là cải thiện chất lượng không khí, khí hậu, bảo tồn nước, đất, hỗ trợ các động vật hoang dã. Cây cỏ cũng góp phần lọc không khí bằng cách loại bỏ bụi và hấp thụ các chất ô nhiễm khác như carbon monoxide, sulfur dioxide và nitrogen dioxide.
Cây xanh còn giúp chúng ta kiểm soát khí hậu bằng cách điều hòa sự tác động của nắng, mưa, gió. Lá cây hấp thu, lọc năng lượng bức xạ mặt trời, giữ không gian mát mẻ vào những ngày hè oi bức. Ngoài việc bảo vệ con người khỏi ảnh hưởng của mưa, mưa đá, cây xanh còn góp tay giúp giảm nhiệt độ không khí, cường độ nhiệt của hiệu ứng nhà kính bằng cách duy trì mức độ thấp carbon dioxide.
Bảo vệ cây xanh
Cây xanh bảo vệ con người, muông thú và việc chúng ta cần làm là ý thức gìn giữ, bảo vệ chúng. Đó là sự tác động qua lại nhằm đảm bảo sự tồn tại của loài người bền vững hơn. Đặc biệt, không chỉ một thế hệ mà ý thức gìn giữ cây xanh cần được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia.
Sử dụng giấy khôn ngoan: Chúng ta có thể giảm số lượng cây bị đốn hạ bằng cách sử dụng ít giấy. Tại nhà, bạn hãy tạo không gian nhỏ để lưu giữ giấy có thể tái sử dụng. Đặc biệt, hãy giao trọng trách này cho những đứa trẻ để chúng tự chủ hơn và nhận thấy tầm quan trọng trong vai trò của mình. Bạn có thể hướng dẫn trẻ sử dụng các loại giấy một mặt để tô màu, vẽ phác thảo; sử dụng khăn ăn bằng vải; hộp cơm trưa bằng nhựa tái sử dụng an toàn thay vì chiếc túi giấy.
Làm đồ chơi: Trẻ con thường có sở thích làm đồ chơi tự chế. Vì vậy, bạn hãy đáp ứng sở thích này của chúng bằng việc kích thích sự sáng tạo qua những chiếc hộp giấy bỏ đi. Các hộp carton, lõi giấy, ngay cả hộp giày cũng có thể trở thành pháo đài, trụ sở, ống nhòm của siêu anh hùng nhí hay một cái giường dễ thương cho cô nàng búp bê.
Mượn, chia sẻ, tặng sách: Hình thành thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ là điều tuyệt vời cha mẹ có thể làm được. Đây còn là nơi cung cấp kiến thức rộng lớn, giúp hình thành nhân cách tốt cho trẻ. Kết hợp với bảo vệ cây xanh, bạn có thể thỏa mãn nhu cầu của bé bằng cách đưa chúng tới thư viện, cũng như giao lưu với các bé khác để trao đổi các loại sách cũ mà trẻ không dùng tới nữa.
Ban tổ chức cuộc thi Nét đẹp 3T năm 2016 do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Quỹ Bảo vệ môi trường TP.HCM tổ chức chương trình chúc mừng 10 đội có tác phẩm lọt vào vòng chung kết. Mỗi đội có tám phút để trình diễn bộ sưu tập. Hoạt động diễn ra vào ngày 10-4 tại Cung Văn hóa lao động, quận 1, TP.HCM. Các tác phẩm: · Phố đêm của Phạm Trung Nguyên, trường Trung cấp Bến Thành · Duyên của Võ Thành Thiện, ĐH Quốc tế · Jelly fish princess của Dương Trương Phương Hồng, ĐH Bách Khoa · Hủy diệt của Võ Ngọc Thu Thảo, Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật TP.HCM · Ý thức xanh – Cuộc sống xanh của Nguyễn Thị Diệp, ĐH Bách Khoa · Ngư điệu của Võ Thị Kiều Oanh, ĐH Bách Khoa · Truyền thống và môi trường của Nguyễn Thị Thu Hiền, Cao đẳng nghề kinh tế công nghệ TP.HCM · Đại dương xanh của Hoàng Thị Lộc, ĐH Nông Lâm · Trái tim công nghiệp của Nguyễn Thị Thu Hồng, ĐH Tài nguyên và Môi trường · Bao giờ thì chán của Phạm Trần Đức Tài, ĐH Công nghệ TP.HCM |