Bảy tuổi, tôi đã biết ra chỗ góc chợ không ai thèm ngồi vì nắng, bán từng nắm rau tập tàng hái được quanh bờ ruộng. Lớn hơn một chút, tôi đi ngoéo cua, bắt ốc đổi gạo, phơi nắng đồng chang chang riết thân hình ngày một quắt queo, thịt da mốc kến. Lớn thêm chút nữa, tôi xin theo phụ việc cho một chiếc ghe buôn bán đồ hàng bông.
- Nếu còn sống, má con cũng cỡ tuổi dì.
Bà chủ ghe nghe vậy nheo mắt cười:
- Vậy mày kêu tao bằng má cho thân mật.
Vậy là tôi có má ngang hông. Đó là người đàn bà đậm chất thương hồ, tính tình xởi lởi, vui vẻ, lạc quan nhưng ánh mắt lúc nào cũng như hằn chứa nỗi cô đơn. Đằng sau nỗi vất vả gian truân của một phận đời tha phương cầu thực là cái chất lãng tử phong trần được ghi dấu bởi tháng ngày lênh đênh rày đây mai đó. Có những lúc nửa đêm mơ màng, nghe giọng bà rấm rứt: “Ngày mai đám cưới người ta, tại sao sơn nữ… Phà Ca… lại buồn…”, tôi mở mắt nhìn ra, thấy bà ngồi trước mũi ghe, trăng treo đỉnh đầu in bóng xuống lòng sông lẽ mọn. Tôi ngạc nhiên thấy bà hoàn toàn xa lạ với người đàn bà trong buổi chợ sớm mai luôn tay luôn chân, í ới chào mời, mặc cả trả treo, bông lơn trây xầy, nói cười rôm rả, tối đến ngồi chong đèn ghi ghi chép chép, cộng cộng trừ trừ, vuốt ve từng đồng tiền lẻ. Những lúc rảnh rỗi bà thường hay hỏi chuyện gia đình tôi, bà không hỏi một lần, mà mỗi lần cũng chỉ hỏi một ít, vừa đủ để tôi không mủi lòng, không khóc. Bà tuyệt đối không bao giờ kể về gia đình bà cho tôi nghe mà tôi cũng không hỏi, không muốn hỏi, không dám hỏi.
Nếu hạnh phúc với mỗi người là có được cái mà họ không có thì với tôi, những ngày lênh đênh trên ghe với “má” chính là những tháng ngày tràn trề hạnh phúc của tôi. Ở với “má” tôi được ăn đầy đủ, mặc lành lặn, cảm giác có người che chở, có chỗ nương tựa, ấm áp. Có thể vì thế, chuyện má là ai, ở đâu… tôi không cần thiết phải tìm hiểu.
Nhưng chỉ là không cần thiết với tôi thôi, còn với mấy thím bạn hàng trên chợ thì vô cùng nghiêm trọng. Ngày nào cũng có thím tra hỏi xa gần, chặn đầu chặn đuôi để tôi nói ra, cái gì tôi cũng nói không biết, thím vỗ vỗ đầu tôi nói một câu không biết khen hay chê:
- Con nhỏ này còn nhỏ mà biết điều, ăn cây nào rào cây nấy. Cái miệng nó kín như bưng. Bà Lành có đứa con nuôi thiệt xứng đáng…
Tôi cười thầm trong bụng, thật ra tôi có biết gì đâu, chớ con nít như tui mà bị mấy bà hỏi rát như vậy, không khai mới lạ. Tối đó tôi đem chuyện kể lại cho má nghe. Má nói: “Đó là người xấu”. Và tôi hiểu người xấu thì không được giao du.
Thấm thoát tôi theo má cũng được năm năm, năm đó má nuôi tôi ngoài bốn mươi tuổi. Năm năm với một người đàn bà đang độ hồi xuân thời gian hình như dừng lại. Không thấy má già thêm, trái lại còn mượt mà, phơi phới. Còn tôi, từ một con bé đen nhẻm, ốm nhom, trổ mã phổng phao ra dáng một thiếu nữ mặc dù chỉ mới mười lăm tuổi. Mỗi lần ngồi ăn cơm má hay nhìn tôi, nói:
- Mày đẹp như má hồi nhỏ - ngừng một chút, ngó mông ra sông má nói tiếp - đẹp khổ chứ mần cái gì.
Má nói riết câu này làm tôi không biết nên mừng hay lo. Mừng vì đẹp, lo vì đẹp sẽ khổ.
Một tối, vừa xong buổi chợ, tôi ra ngồi nghỉ mệt trước mũi ghe, ngắm trời trăng, mây nước, thả mình trong làn gió từ mặt sông phả lên rười rượi, thứ gió sông chỉ có ai từng được hưởng thụ mới cảm nhận hết chớ không thể diễn tả bằng lời, nó mát từng đoạn ruột - Nhìn cây bẹo hàng lủng lẳng đong đưa trong gió, nhớ hồi còn sống má hay căn dặn “con gái phải siêng năng chăm chỉ, chớ có mà tối ngày đi bẹo hình bẹo dạng”, tôi bỗng nhớ má ứa nước mắt. Má mất chưa đầy tháng, cha bỏ đi luôn, để lại mình tôi trong căn chòi xiêu vẹo rúm ró. Tôi sợ đến nỗi đêm nào ngủ cũng đái dầm dề ra quần. Hồi đó mỗi lần nhớ má tôi khóc rũ rượi, khóc đến hai mắt sưng húp thâm quầng như hai cái trứng gà ung. Có một lần cũng nhớ má, nhớ quặn ruột nhưng không hiểu sao nước mắt không chảy ra được. Tôi nghĩ mắt nhỏ vậy chứa được bao nhiêu nước đâu, khóc riết cũng phải hết. Vậy là từ đó mỗi khi nhớ má, tôi khóc nhín nhín, chừa nước mắt để lần sau. Bây giờ nhớ má tôi chỉ ứa nước mắt.
Vừa đúng lúc đó má nuôi tôi về tới, đi cùng với má là một thanh niên áng chừng ba mươi tuổi. Anh ta đứng trên bờ, tôi nhìn không rõ lắm, chỉ thấy đó là một thanh niên vạm vỡ, nước da nâu và đôi mắt thật sáng, trong đêm, đôi mắt ấy như có lửa. Má bước xuống cây đòn dài chui vào ghe, không thấy má giới thiệu đó là ai, chỉ biểu tôi coi chừng ghe cho má đi công chuyện.
Sau này khi anh ta hay lui tới, tôi mới biết tên anh ta là Nhã. Không biết anh ta làm nghề gì, ở đâu, chỉ thấy mỗi lần xuống ghe là anh ta nằm vật ra ngủ say sưa, không ngủ thì lại ôm khư khư cái iPhone quẹt quẹt khều khều, chờ tan buổi chợ, má mua thức ăn về dọn ra ăn. Mà hễ bữa nào có anh ta là bữa đó má mua rượu thịt ê hề. Má thường xuyên lên bờ, có khi qua đêm đến sáng hôm sau. Má không nói nhưng tôi thừa biết má đi với Nhã và đó là người đàn ông của má. Tôi không ưa gì Nhã, tôi cũng không hiểu tại sao, chỉ thấy không ưa vậy thôi. Nhưng thấy má hạnh phúc, tôi cũng mừng. Nhìn má tươi tắn, vui vẻ tôi mới biết tình yêu quả có sức mạnh vô biên. Từ đó công việc buôn bán hầu như má giao lại cho tôi, chỉ hôm nào hết hàng, má mới tổng kết sổ sách, tính toán tiền nong rồi hai má con đợi con nước xuôi chèo ghe về vựa.
Một bữa, sau khi cất hàng xuống ghe, chờ má thanh toán tiền với vựa nữa là về cho kịp nước mà cũng vừa kịp buổi chợ. Lâu quá không thấy má xuống, sợ trễ nước tôi bước lên tìm. Có tiếng má đôi co với bà chủ vựa:
- Làm ăn với nhau mấy chục năm nay, giờ chị nói vậy thiệt khó nghe quá, chị Ba.
- Chị Lành thông cảm đi, tui biết khó nghe nhưng vẫn phải nói. Hồi nào tới giờ chị uy tín tiền bạc lắm. Sao dạo này chị kỳ vậy. Nghĩ tình cảm lâu năm, tui gối đầu cho chị tới hai chuyến. Nay chị vẫn trả không đủ là sao?
Nghe tới đó, tôi thối lui trở xuống nghe ngồi đợi. Tôi vừa lo vừa nghĩ nát nước, công việc buôn bán vẫn suôn sẻ, có phần còn mau mắn hơn trước, tiền lời tiền vốn tôi nắm trong tay, chuyến nào cũng giao đủ cho má. Rõ ràng hồi tối tiền tôi đưa má còn dư nhập hàng hôm nay mà. Sao kỳ vậy ta? Vừa lúc đó má trở xuống, theo sau là hai anh bốc vác, họ leo xuống vác gần nửa ghe đồ trở lên vựa.
Tôi chống ghe ra, má ngồi trước mũi, không nói tiếng nào. Trăng mùng 10 rọi bóng má ngả ngược vô khoang thành một vệt mờ gãy khúc. Tôi giả bộ không nghe tiếng má khóc thút thít: “Má! Má ca cái khúc sơn nữ Phà Ca thất tình đi má”! Một hồi lâu không nghe má ca cũng không nghe má nói gì, tôi thấy mình vô duyên thì ít mà thấy thương má thì nhiều. Tôi tính đợt này đốc má mua cái máy đuôi tôm, chớ chèo hoài vừa hoải vừa tốn thời gian nhưng tình hình này coi bộ khỏi máy móc gì rồi. Ngang lúc tôi nghĩ tới đó thì nghe âm thanh tiếng nước khua, mũi ghe lắc nhẹ một cái, nghĩ má khoát nước rửa mặt, tôi nói: “Má buồn ngủ vô khoang ngủ đi, cũng còn lâu lâu nữa mới tới chợ à má!”. Ghe sắp sửa ra vàm, cái đèn bão treo trước mũi ghe bị gió ngoài sông cái thổi chao qua chao lại một hồi rồi tắt ngúm.
- Má có bỏ cái hộp quẹt trong túi hôn má?
Không nghe má trả lời. Tôi với lấy cây đèn pin rọi ra mũi ghe, không thấy má, rọi vô khoang cũng không thấy má. Nhớ tiếng khoát nước và cái lắc ghe hồi nãy, tôi rùng mình, la lớn “Má ơi... ơi… ơi!!!”. Tiếng kêu thảng thốt của tôi theo gió dạt ra tứ bề, nát vụn rồi tan trong hư không. Tôi buông tay chèo, chiếc ghe nhỏ bị gió đẩy trôi theo con nước xuôi. Phía chân trời đằng đông đã ửng.
Ở đời cái gì cũng có giới hạn, hạnh phúc cũng có giới hạn. Hạnh phúc với một người đàn bà quá lứa, đang độ hồi xuân, lần đầu nếm trải tình yêu và biết mùi vị đàn ông (lại là đàn ông hừng hực sức trai) như má thì giới hạn của nó càng nhỏ hẹp. Sau khi gạt hết tiền của má, chàng phi công trẻ chuyển sang lái phản lực cơ. Máy bay bà già má tự một mình bay đi giữa cơn giông bão. Và má đã lựa chọn cách tự mình bước qua giới hạn của một kiếp người.
* * *
Đầu quấn vành khăn sô, quỳ bên ngôi mộ gió tự tay tôi đắp cho má, tôi không cầm được nước mắt: “Má! Má đừng buồn. Dẫu sao những ngày má được sống bên người đó, má cũng thấy hạnh phúc mà phải không?”.