Giống vụ ‘cưa gỗ khô’ nhưng không xử tội trộm cắp

TAND tỉnh Kon Tum vừa xử sơ thẩm, tuyên phạt 13 bị cáo về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo Điều 175 BLHS 1999. Đây là vụ giống với vụ án “cưa gỗ khô” tại Kon Tum mà Pháp Luật TP.HCM nhiều lần phản ánh nhưng các bị cáo không bị xử về tội trộm cắp tài sản. Điều này một lần nữa khẳng định kháng nghị của TAND Tối cao yêu cầu phải xử năm công dân trong vụ “cưa gỗ khô” là không chính xác.

Hai vụ án, hai cách hiểu

Theo bản án của TAND tỉnh Kon Tum, từ năm 2016 đến 2017, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm kiểm tra rừng, bị cáo Trần Kim Quân cùng 12 bị cáo khác vào lâm phần Vườn quốc gia Chư Mom Ray (rừng đặc dụng, thuộc tỉnh Kon Tum) để khai thác trái phép 37 cây gỗ quy tròn (từ nhóm III đến nhóm VIII) với khối lượng hơn 161 m3.

Theo tòa, đối chiếu với quy định tại Nghị định 157/2013 và Thông tư liên tịch số 19/2007 (giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao) thì hành vi của các bị cáo đã phạm tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Từ đó, HĐXX phạt bị cáo Quân cùng 12 bị cáo khác từ chín tháng tù (cho hưởng án treo) đến bốn năm tù giam cùng về tội này. Cùng vụ án này, HĐXX còn tuyên phạt tù một số bị cáo khác về các tội danh như đưa hối lộ, tội nhận hối lộ, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng...

Trở lại vụ án “cưa gỗ khô”, tháng 4-2016, anh Lê Quốc Khánh xin anh Phan Tiến Dũng (là kiểm lâm) vào rừng Đắk Uy (rừng đặc dụng) cưa cây gỗ trắc chết khô. Hôm sau, anh Khánh cùng ba người khác vào rừng cưa 0,123 m3 (trị giá hơn 19 triệu đồng) gỗ trắc chết khô thì bị phát hiện. Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà phạt năm bị cáo 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản nhưng bị TAND tỉnh Kon Tum hủy án.

Tháng 9-2017, tòa huyện xử sơ thẩm lần hai vẫn phạt các bị cáo 11-14 tháng tù. Tháng 6-2018, tòa tỉnh xử phúc thẩm lần hai đã tuyên cả năm bị cáo không phạm tội trộm cắp tài sản. Nhưng ngày 26-7, TAND Tối cao bất ngờ có kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên án sơ thẩm. Cần nói thêm là nội dung kháng nghị không nêu ra được căn cứ pháp lý để xử các bị cáo về tội trộm cắp tài sản.

Năm công dân trong vụ “cưa gỗ khô” cùng luật sư (người đeo cà vạt) trước trụ sở TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Ảnh: NGÂN NGA

Kháng nghị của tand tối cao là sai!

Như vậy, đối chiếu vụ án Trần Kim Quân (xảy ra tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray) với vụ án “cưa gỗ khô” thì có điểm chung là người thực hiện cùng vào rừng đặc dụng cưa cây mà không được cơ quan nào cho phép.

Theo Thông tư liên tịch số 19/2007 nêu trên, tại Mục 4 Tiểu mục 1 quy định hướng dẫn Điều 175 BLHS 1999: Nếu người khai thác cây rừng trái phép mà không phải là chủ rừng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều luật tương ứng quy định tại Chương XIV - Các tội xâm phạm sở hữu (trong đó có tội trộm cắp tài sản) của BLHS.

Cũng theo thông tư này, chỉ có thể xử lý các bị cáo tội xâm phạm sở hữu của BLHS khi rừng đó phải là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh. Trong khi cả hai rừng Đắk Uy và Chư Mom Ray đều là rừng đặc dụng, không phải rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh.

Sở dĩ TAND tỉnh Kon Tum tuyên các bị cáo xâm phạm rừng Chư Mom Ray theo Điều 175 BLHS là do các bị cáo khai thác vượt quá mức xử phạt hành chính (trên 10 m3 đối với gỗ không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm, tại điểm a khoản 3 Điều 12 Nghị định 157/2013). Cũng hành vi tương tự, TAND tỉnh Kon Tum tuyên cả năm bị cáo trong vụ án “cưa gỗ khô” không phạm tội trộm cắp tài sản bởi khai thác dưới 5 m3 nên chỉ bị xử phạt hành chính tại điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định 157/2013 (đối với gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA với số tiền 2-8 triệu đồng).

Cùng với hành vi vào rừng đặc dụng cưa hạ cây gỗ mà không được cơ quan nào cho phép thì cả hai vụ án, TAND tỉnh Kon Tum đều không xử tội trộm cắp tài sản. Như vậy, việc TAND Tối cao ban hành kháng nghị yêu cầu TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử giám đốc thẩm vụ án “cưa gỗ khô” theo hướng các bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản là không đúng luật. Phải chăng vì lý do này nên dù kháng nghị ban hành đã chín tháng nhưng TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vẫn chưa thể đưa vụ án ra xét xử giám đốc thẩm?

Nói cách khác là kháng nghị giám đốc thẩm trong vụ “cưa gỗ khô” là trái với nguyên tắc suy đoán vô tội, trái với chính Văn bản số 157/2011 của TAND Tối cao hướng dẫn đường lối xét xử loại án này.

Ủy ban Tư pháp từng lên tiếng

Trong vụ “cưa gỗ khô”, đầu tháng 9-2018, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga từng yêu cầu chánh án TAND Tối cao giải trình về vụ án. Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du đã giải trình nhưng viện dẫn không đúng quy định pháp luật đối với hành vi của năm công dân.

Ngày 23-1, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM) đã có công văn khẩn gửi chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án Cấp cao và viện trưởng Cấp cao tại Đà Nẵng để kiến nghị thu hồi quyết định kháng nghị của TAND Tối cao.

Nhiều chuyên gia từng phân tích: Hành vi của năm công dân cưa cây gỗ trắc chết khô với khối lượng 0,123 m3, trị giá hơn 19 triệu đồng trong rừng đặc dụng Đắk Uy là sai nhưng chưa tới mức bị xử lý hình sự mà chỉ có thể xử phạt hành chính. Bởi theo Thông tư 19/2007 nói trên thì chỉ có thể xử lý tội trộm cắp nếu là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh. Còn ở đây là rừng đặc dụng (tức rừng tự nhiên) nên phải xử lý ở tội trong chương liên quan tới rừng. Do đó, hành vi của năm công dân không cấu thành tội trộm cắp tài sản. Căn cứ Nghị định 157/2013 thì chỉ có thể xử phạt hành chính đối với năm công dân... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm