Ngày 22-1, trao đổi qua điện thoại với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xác nhận: Thứ Năm, ngày 24-1, tòa này sẽ xử giám đốc thẩm vụ năm công dân từng được TAND tỉnh Kon Tum tuyên không phạm tội trộm cắp tài sản. Phiên tòa giám đốc thẩm sẽ do Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xem xét.
Đáng nói là tòa đã không mời bốn luật sư (LS) và cả năm công dân tham gia phiên giám đốc thẩm. Trong khi trước đó, ngày 9-11-2018, ông Đinh Phước Hòa (Trưởng phòng Giám đốc kiểm tra I, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) cho biết tòa đã nhận được đơn xin tham gia phiên xử giám đốc thẩm của các LS, khi nào có lịch xử thì sẽ gửi giấy mời tham dự.
Từ tiếng nấc hạnh phúc
Ai từng theo dõi phiên tòa diễn ra vào tháng 6-2018 tại TAND tỉnh Kon Tum sẽ chẳng thể nào quên được giây phút vỡ òa cảm xúc khi vị chủ tọa dõng dạc tuyên bố cả năm bị cáo không phạm tội. Nhưng hạnh phúc của năm người và gia đình chỉ kéo dài vỏn vẹn đúng 36 ngày. Đến nay bản án tù vẫn đang treo lơ lửng trên đầu họ.
Đó là vào tháng 4-2016, anh Lê Quốc Khánh xin người quen là kiểm lâm Phan Tiến Dũng được vào rừng đặc dụng Đắk Uy, Kon Tum cưa cây gỗ trắc đã chết khô. Cả nể, anh Dũng đồng ý. Khi anh Khánh cùng với các anh Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Thụ, Nguyễn Văn Bảy đang cưa khúc gỗ đã chết khô với khối lượng 0,123 m3 (trị giá hơn 19 triệu đồng) thì bị phát hiện.
Theo quy định pháp luật thì không thể truy tố năm người về tội trộm cắp tài sản. Bởi nếu các bị cáo cưa gỗ trong rừng đặc dụng tự nhiên thì phải truy cứu họ về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, họ chỉ cưa 0,123 m3 nên chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự mà chỉ có thể xử phạt hành chính. Dù vậy, cả hai lần xử sơ thẩm, TAND huyện Đắk Hà vẫn phạt mỗi người 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.
Vào cuộc, Pháp Luật TP.HCM liên tục có những bài phân tích pháp lý, nêu ý kiến của những chuyên gia giàu tâm huyết chỉ rõ việc áp dụng pháp luật của cấp sơ thẩm là sai lầm. Thế rồi ngày 1-6-2018, TAND tỉnh Kon Tum đã có một phán quyết công tâm và bản lĩnh nhất khi tuyên cả năm bị cáo không phạm tội. Hôm đó hàng trăm người dân đến dự tòa, ngồi chật kín phòng xử và đứng tràn cả ra hành lang. Chủ tọa vừa tuyên bố bế mạc phiên tòa, mọi người nhảy lên ăn mừng, trong những cái ôm siết chặt có cả những tiếng nấc hạnh phúc.
Năm công dân cùng với luật sư Lê Văn Hoan ra Đà Nẵng để kêu oan. Ảnh: KT
Đến hành trình gian nan
Nhưng niềm vui ấy chỉ kéo dài vỏn vẹn ít ngày. Cuối tháng 7-2018, TAND Tối cao bất ngờ có kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án của TAND tỉnh Kon Tum, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Nghe tin, bữa cơm trưa của gia đình kiểm lâm Dũng nghẹn lại, chẳng ai đủ mạnh mẽ để nhìn nhau.
Thế rồi cả năm người họ quyết định ra Hà Nội, ra TAND Cấp cao tại Đà Nẵng để cầu cứu tìm lẽ công bằng. Bà con chòm xóm thấy mấy năm nay họ cứ lận đận mãi, có người khuyên ngăn “nếu đi tù thì giờ này đã về rồi đấy!”. Có lúc quá mệt mỏi, muốn buông xuôi tất cả nhưng vì tương lai của các con, họ vẫn chắt chiu từng đồng để đi.
Anh Nguyễn Văn Bảy, người có hoàn cảnh éo le nhất, đang vay nợ ngân hàng và người thân tới 500 triệu đồng. Trong nhà có chiếc xe máy cũ trị giá 7 triệu đồng anh cũng phải bán đi. “Cây cà phê cần phân bón nhưng kể từ khi nghe tin tôi sắp bị bắt, những cửa hàng quen cũng từ chối bán thiếu cho tôi” - mắt anh ngấn lệ.
Còn vợ anh Bảy mang bầu sắp sinh nhưng vẫn phải ngồi sửa quần áo cho người ta từ sáng tới tối. “Hôm tòa cho trắng án, tưởng được yên ổn nên tôi mới dám mang bầu, chứ có ai ngờ đâu như vậy. Cháu đầu mới lên lớp 2, lỡ anh phải đi tù, tôi không biết phải xoay xở sao” - chị nghẹn lời. “Tôi không bỏ cuộc đâu. Nếu Tòa Cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận kháng nghị, ra tù tôi vẫn tiếp tục kêu oan”- anh Bảy nói.
Anh Khánh vừa từ Đà Nẵng về là chạy sang mấy nhà hàng xóm để đặt mua ít chuối, ít gừng bán cho dịp Tết. Anh bảo nhiều nơi từ chối nhận đơn khiến các anh rất nản. May là vừa rồi viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã cử lãnh đạo Viện Hình sự ngồi tiếp các anh. “Họ không hứa hẹn điều gì nhưng đã cho LS và năm anh em tụi tôi được trình bày hết tâm tư, nguyện vọng. Họ làm chúng tôi thấy mình thật sự được tôn trọng” - anh Khánh khoe.
Hai tháng kể từ ngày tòa tỉnh Kon Tum tuyên anh Khánh trắng án thì vợ anh sinh con thứ ba. Có được đứa con trai như mong ước, vợ chồng anh thêm nghị lực phấn đấu tu chí làm ăn nhưng nay bao dự định, hoài bão của hai vợ chồng phải gác lại. Nếu anh Bảy phải bán xe máy thì anh Khánh bán cả mấy con bò để có tiền đi lại kêu oan mấy năm nay. Ba đứa con còn nhỏ, anh chỉ biết ở nhà ngày nào thì cố gắng giúp vợ con được việc gì hay việc nấy.
“Chúng tôi thừa nhận việc cưa gỗ chết khô là sai. Nhưng hành vi này chỉ có thể bị xử phạt hành chính, như Pháp Luật TP.HCM đã có nhiều bài phân tích. Nếu phải vào tù, thật lòng tôi không cam tâm…” - anh Thụ trải lòng.
Nghe chúng tôi báo tin tòa chuẩn bị xét xử, anh Phan Tiến Dũng hốt hoảng: “Tôi không còn giữ được bình tĩnh nữa rồi, ngồi đây chỉ thêm hoang mang, chắc đêm nay năm anh em tụi tôi sẽ bắt xe đò đi Đà Nẵng xem sao…”.
Đại biểu Quốc hội nói sẽ kiến nghị Ngày 18-1, tại trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã có buổi làm việc với ba LS và năm công dân. Ông Nghĩa cho biết vụ án này đã được đưa ra Ủy ban Tư pháp, lãnh đạo TAND Tối cao đã giải trình và báo chí cũng phản ánh nhiều. Đại biểu Nghĩa nói: “Chúng tôi từng nêu tại Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, do đó tôi sẽ tiếp tục trao đổi thêm với đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Sáu (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) rồi có văn bản kiến nghị về vụ án”. Cùng ngày 18-1, năm công dân cùng với các LS đã thăm báo Pháp Luật TP.HCM để cám ơn báo đã có nhiều bài phân tích về vụ án suốt hai năm qua. Bà Nguyễn Thị Thu Tâm (Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM) đã thay mặt nhiều LS trao số tiền 30 triệu đồng để hỗ trợ cho vợ anh Nguyễn Văn Bảy chuẩn bị sinh con và cho các anh có chi phí đi lại. Các luật sư đều bất ngờ Bốn LS Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên thẩm phán TAND Tối cao), Lê Văn Hoan, Nguyễn Thành Công (cùng Đoàn LS TP.HCM), Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn LS Đồng Nai), bào chữa miễn phí cho năm công dân, đều khẳng định chưa nắm được bất cứ thông tin gì về lịch xét xử. Các LS đã gửi nhiều đơn tới TAND Cấp cao tại Đà Nẵng để đề nghị được tham gia phiên giám đốc thẩm nhưng không nhận được phản hồi nào. các LS viện dẫn Điều 383 BLTTHS 2015 quy định phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của kiểm sát viên VkS cùng cấp. Trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, tòa phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa. |