Các chuyên gia đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến việc khai thác, sử dụng môi trường biển và đại dương ở các lĩnh vực hợp tác quốc tế như đánh bắt cá, an ninh biển và môi trường biển tại biển Đông và trên thế giới.
Tại hội thảo, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế của ĐH Luật TP.HCM, TS Ngô Hữu Phước, nhấn mạnh đây chính là ba lĩnh vực mà cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Việt Nam với tính chất là một quốc gia ven biển cũng đã và đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ các vấn đề này.
PGS-TS Lê Kế Lâm, Chuẩn Đô đốc, nguyên Phó Tham mưu trưởng tác chiến hải quân nhân dân Việt Nam, nêu vấn đề gần đây có nhiều tàu đánh bắt cá nước ngoài xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng đồng thời cũng có tình trạng các tàu thuyền đánh cá Việt Nam xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế nước khác.
“Việc đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam đang còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Để giải quyết được, các lực lượng chức năng cần tổ chức phổ biến tới tận người dân những nội dung cốt lõi liên quan đến hoạt động của ngư dân Việt Nam theo pháp luật” - ông Lê Kế Lâm nhận định.
Bên cạnh đó, theo TS Ngô Hữu Phước, hiện nay việc hợp tác đánh bắt cá trên các vùng biển chồng lấn chưa được phân định cũng là một giải pháp tạm thời nhưng có thể vừa bảo vệ được ngư dân, đồng thời tạo tiền đề tiến tới các thỏa thuận phân định quan trọng hơn. Việc thiết lập những mô hình này sẽ hạn chế xung đột, căng thẳng giữa các bên liên quan cũng như giúp duy trì mối quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp của các nước khi những tranh chấp về chủ quyền trên biển đang diễn ra rất căng thẳng và phức tạp trong thời gian gần đây.
Một yêu cầu cấp thiết khác là tổ chức các buổi tập huấn kiến thức cho ngư dân sử dụng các thiết bị trên tàu, định vị vệ tinh, thông tin cứu hộ để giúp ngư dân xác định được vị trí của mình trong vùng đánh bắt cá cho phép. Không những thế, các lực lượng có liên quan cần quan tâm thường xuyên và kịp thời hơn, giúp ngư dân Việt Nam an tâm và vững vàng hơn khi đánh cá ở vùng biển Việt Nam.