Gỡ khó nguồn cung bất ổn từ Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trung Quốc (TQ) theo đuổi chính sách “zero COVID” khiến nhiều nhà máy tại quốc gia này phải tạm dừng hoạt động; các cảng biển, cửa khẩu cũng hoạt động cầm chừng... Điều này khiến các doanh nghiệp (DN) Việt phụ thuộc lớn vào thị trường này gặp khó khăn ở cả chiều xuất khẩu lẫn nhập khẩu nguyên phụ liệu.

Nhập khẩu nguyên liệu “méo mặt”

“Ảnh hưởng nghiêm trọng”. Đó là nhấn mạnh của bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về tình trạng thiếu nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất từ TQ. Nguyên nhân do nước này vẫn đang kiên trì theo đuổi chính sách “zero COVID”.

Nhiều xe chở mít không thông quan xuất khẩu được sang Trung Quốc,
quay đầu về xả hàng bán rẻ trong nước. Ảnh: PHI HÙNG

“Các đối tác phía TQ cho biết bên đó đang thiếu container rỗng để chuyển hàng về, cộng với nguồn cung khan hiếm do nhà máy tạm dừng hoạt động vì COVID-19 và chi phí tăng cao. Vì không có nguyên phụ liệu để sản xuất nên tiến độ giao hàng bị chậm” - đại diện của Lefaso giải thích.

Không riêng gì ngành da - giày - túi xách mà các công ty trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng chịu tác động không nhỏ. Công ty cổ phần Metect chuyên sản xuất các máy hàn cắt kim loại, thiết bị bán tải nâng hạ để phục vụ cho các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, ông Đoàn Ngọc Anh, Giám đốc công ty, thừa nhận đang có một đơn hàng inox đặc chủng nhập từ TQ bị trễ hạn giao hàng đã nửa tháng nay.

Nguyên nhân do đối tác cung cấp nguyên phụ liệu bên TQ thông báo nhà máy đang phải tạm dừng hoạt động để kiểm tra các ca nhiễm COVID-19. Trong khi đó, đa số đơn hàng của công ty đã ứng tiền nên trong thời gian ngắn rất khó để đổi nhà cung cấp khác.

“Nếu không nhập được nguyên phụ liệu về sản xuất thì đơn hàng của công ty sẽ không giao kịp tiến độ, khách hàng có thể hủy hợp đồng. Trong trường hợp nếu họ không hủy hợp đồng thì cũng bị chậm thanh toán” - lãnh đạo Metect cho hay.

Xuất khẩu cũng tắc nghẽn

Đại diện nhiều công ty thừa nhận TQ hiện vẫn là thị trường cung cấp chính nguyên phụ liệu cho các ngành công nghiệp của Việt Nam như da, giày, túi xách, dệt may, công nghiệp hỗ trợ... Các DN trong nước vừa nhập khẩu về để sản xuất, đồng thời để xuất khẩu sang các thị trường khác.

Cùng với đó, TQ cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của các ngành hàng này. Do đó, chỉ cần thị trường này “hắt hơi sổ mũi” thì các công ty Việt cũng bị ảnh hưởng, nhất là hàng nông sản, thủy sản.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay nhiều công ty thông báo họ chỉ còn khoảng 50% số đơn hàng sang TQ là đi được, còn lại là đứng hình.

Đặc biệt với các mặt hàng nông sản, hoạt động xuất khẩu sang TQ qua các cửa khẩu phía Bắc vẫn ảm đạm. Chỉ riêng các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tính đến ngày 26-3 vẫn còn tồn 1.367 xe hàng, trong đó có 1.026 xe hoa quả đang ùn ứ, chờ thông quan để xuất khẩu sang TQ.

Cắt giảm phí với xuất nhập khẩu

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Bộ Công Thương nhận định: Khác với xu hướng chung của các quốc gia, dù đã triển khai tiêm vaccine mở rộng, TQ vẫn thực hiện các biện pháp chống dịch theo chính sách “zero COVID”. Một trong các biện pháp được phía bạn thực hiện là tăng cường các biện pháp quản lý như thủ tục giao nhận chặt chẽ hơn, quy trình kiểm dịch phức tạp hơn tại các cửa khẩu.

Cùng với đó, việc TQ theo đuổi chiến lược “zero COVID” đồng nghĩa với các hoạt động văn hóa - xã hội bị hạn chế, kéo theo cầu hàng hóa giảm. Điều này ảnh hưởng tới nhu cầu hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng tiêu dùng.

“Giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao do thiếu hụt nguồn cung từ TQ. Trong thời gian qua, giá cả nhiều nhóm hàng nguyên vật liệu đã được ghi nhận đạt đỉnh kỷ lục như than đá, xăng dầu, hóa chất, kim loại, phân bón... Mặt bằng giá đầu vào ở mức cao là áp lực lớn đối với hoạt động sản xuất của cộng đồng DN” - Bộ Công Thương cho hay.

Vậy giải pháp đặt ra là gì? Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các hiệp hội, DN cập nhật những thay đổi về chính sách đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; xây dựng đầu mối thông tin tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu của các DN Việt Nam. Bên cạnh đó, đẩy mạnh khai thác các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để giảm phụ thuộc vào một vài thị trường.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng dầu, than... Qua đó để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu.

“Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đề nghị cắt giảm các loại phí áp dụng đối với hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, cảng biển để hỗ trợ DN trong vận tải hàng hóa” - đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.•

Bộ Công Thương đánh giá bên cạnh những tác động tiêu cực thì xét về một số yếu tố thúc đẩy xuất khẩu trong ngắn hạn, việc nguồn cung một số sản phẩm từ TQ hạn chế hơn dẫn tới các nước sẽ có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm thay thế đến từ Việt Nam.

Ví dụ trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản, phân bón các loại, hóa chất, chất dẻo và nguyên liệu ghi nhận mức tăng rất cao so với cùng kỳ.

Vẫn là thị trường lớn của Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, TQ là thị trường có vai trò quan trọng đối với cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của nước ta. Theo số liệu thống kê năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang TQ đạt 56 tỉ USD và TQ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ.

Về nhập khẩu, đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ta với kim ngạch năm 2021 ghi nhận ở mức 109,9 tỉ USD. Đặc biệt đây cũng là thị trường cung cấp lớn đối với nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Việt Nam, nhất là với nhóm linh kiện điện tử, phụ tùng máy móc, vải và hóa chất.

Trong bối cảnh trên, nhiều chuyên gia khuyến nghị các công ty Việt Nam cần đa dạng thị trường nhập khẩu nguyên liệu lẫn thị trường xuất khẩu hàng hóa để tránh phụ thuộc. Đặc biệt cần phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm