Nguồn cung không thiếu nhưng cửa hàng vẫn treo biển hết xăng
Tối 30-8, ông Huỳnh Ngọc Hồ, Quyền Cục trưởng Cục quản lý thị trường (QLTT) tỉnh An Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh đã có 40 cơ sở xăng dầu treo biển hết xăng. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung hạn chế, chưa cung cấp kịp thời và quan trọng hơn, hoa hồng thấp, hoạt động thua lỗ nên các doanh nghiệp (DN) xăng dầu không mặn mà trong việc kinh doanh.
Cũng trong chiều 30-8, ông Nguyễn Hùng Em, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng, cho biết, tính đến 15 giờ cùng ngày có 31/168 cửa hàng đang hết xăng dầu. Lý do chủ các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã đặt hàng nhưng DN đầu mối chưa chuyển hàng về kịp.
Bên cạnh tình trạng cửa hàng hết xăng dầu, trên địa bàn tỉnh có khoảng 100 cửa hàng xăng dầu chỉ được các đầu mối chia theo sản lượng bình quân của ba tháng chứ không phải cửa hàng đặt chừng nào được cung ứng chừng đó.
Một cửa hàng xăng dầu tại An Giang thông báo hết xăng. Ảnh: QLTT cung cấp |
Tại Hậu Giang, theo ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công Thương, ngày 30-8, ghi nhận có năm cửa hàng hết xăng dầu. Đoàn đã lập biên bản bốn cửa hàng, đồng thời yêu cầu cơ sở cam kết sớm nhập xăng bán trở lại.
Mới đây, ngày 26-8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã triệu tập một cuộc họp khẩn về bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên phạm vi cả nước.
Trong cuộc họp, Bộ trưởng Diên đặc biệt nhấn mạnh hiện tại, nguồn cung xăng dầu trong nước là vô cùng dồi dào. “Có 2 điều cần khẳng định tại cuộc họp hôm nay, một là, từ đầu năm tới nay Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu; hai là, bằng mọi cách, Bộ Công Thương sẽ đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Nguồn cung không thiếu, vì sao hàng loạt cửa hàng xăng dầu treo biển hết xăng? Đó là câu hỏi của nhiều người dân lúc này.
Doanh nghiệp nói về góc khuất trong kinh doanh xăng dầu
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một DN phân phối xăng dầu cho biết, hiện mức chiết khấu tại kho đang âm 1.200 đồng/lít. Chi phí vận chuyển đến cửa hàng bán lẻ 300 đồng, chi phí lương nhân công... tối thiểu 300-500 đồng/lít, như vậy mỗi lít xăng các cửa hàng bán lẻ đang phải gồng lỗ gần 2.000 đồng/lít.
Không chỉ các cửa hàng bán lẻ gồng lỗ vì chiết khấu âm, tình hình tại các DN đầu mối, phân phối cũng không khá hơn là mấy.
Đáng chú ý, DN này chia sẻ một góc khuất trong kinh doanh xăng dầu, góc khuất từ quy định một cửa hàng bán lẻ chỉ được lấy từ một thương nhân phân phối hoặc một thương nhân đầu mối duy nhất. Đây là một trong những quy định mà đến nay cho thấy sự bất hợp lý, cần phải thay đổi.
“Quy định này có mục đích là kiểm soát chất lượng xăng dầu, thế nhưng đi kèm lại có quá nhiều mặt trái, bất cập, là một trong những nguyên nhân dẫn đến những lộn xộn trong kinh doanh xăng dầu hiện nay” - DN này cho biết.
Theo DN này, những bất cập đó là tính phi thị trường. “Ví dụ ông A có cửa hàng bán lẻ, dựa vào quy định tôi biết là ông A chỉ được lấy hàng của một mình tôi, như thế tôi sẽ không bán cho ông A giá tốt. Dù cửa hàng bán lẻ đã tìm hiểu, chọn ra các thương nhân phân phối hoặc thương nhân đầu mối có mức chiết khấu tốt, thế nhưng sau khi ký hợp đồng, chỉ vài ba tháng đầu cửa hàng bán lẻ được mức chiết khấu tốt, thời gian còn lại sẽ không được hưởng mức chiết khấu như vậy nữa”.
Lý do, các hợp đồng này có ràng buộc về thời hạn trong vòng từ 1-5 năm, nhưng 90% là 5 năm. Và trong giấy phép đăng ký hoạt động của cửa hàng bán lẻ cũng phải có luôn thông tin cửa hàng bán lẻ lấy hàng từ thương nhân phân phối hay đầu mối nào.
Cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang gặp nhiều khó khăn vì chiết khấu âm. Ảnh minh hoạ: PHI HÙNG |
“Dù có thể lựa chọn đầu mối cung cấp hàng nhưng khi đã đăng ký thì trong vòng 4,5 năm tới đầu mối đó chẳng dại gì phải bán giá tốt vì họ biết thừa cửa hàng bán lẻ sẽ không lấy ở nguồn nào khác được, vì cố tình lấy thì cửa hàng bán lẻ vi phạm quy định sẽ bị xử phạt” - Vị này cho hay.
Theo các DN, đại lý bán lẻ biết đơn vị đầu mối bán đắt hơn thị trường, nhưng vì bị ràng buộc bởi hợp đồng nên phải chấp nhận, khi đó, đại lý bán lẻ nhận được lời mời của xăng dầu từ các nguồn khác, thậm chí cả xăng dầu lậu với chiết khấu cao nên dễ dàng chấp nhận.
“Ví dụ giá thị trường đang 10 đồng, xăng dầu lậu bán cho 5 đồng, lượng chênh lệch lợi nhuận này rất lớn, thừa sức bôi trơn khi bị kiểm tra, và đó là cũng cơ sở, căn nguyên cho xăng dầu lậu vào thị trường” - DN này cho hay.
Một vấn đề khác là: Bình thường cửa hàng bán lẻ tiêu thụ 100 khối/tháng, nhưng khi ký với thương nhân phân phối hoặc thương nhân đầu mối, họ chỉ ký 50 khối, còn lại nhập hàng từ các đầu mối khác với mức chiết khấu cao hơn, nhưng không có hoá đơn, chứng từ. Thành thử khi thống kê, số liệu ra không đúng thực tế.
Và trong tình cảnh như hiện nay, kinh doanh xăng dầu lỗ, các đầu mối ngoài hợp đồng không cung cấp xăng dầu nữa, đại lý bán lẻ không thể làm gì khác vì không có hợp đồng ràng buộc. Đại lý bán lẻ chỉ có nguồn duy trì từ các đầu mối, phân phối đã ký theo hợp đồng lúc đầu, nhưng với sản lượng ít. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hàng như hiện nay, trong khi nguồn cung không thiếu.
Tiếp tục phân tích về mục đích của quy định này nhằm giám sát chất lượng xăng dầu trên thị trường, vị DN này cho hay cửa hàng bán lẻ là đơn vị lo lắng nhất về chất lượng, vì đó uy tín của cửa hàng với cư dân xung quanh. Thứ hai, các đầu mối, thương nhân phân phối khi giao hàng cho các cửa hàng bán lẻ đều có phần mẫu lưu lại, niêm phong kẹp chì.
“Cửa hàng bán lẻ mua của 3, 4 đầu mối khác nhau thì khi giao hàng, các đầu mối đều phải lưu lại mẫu. Đến khi xảy ra sự cố thì mang các mẫu đó đi phân tích, mẫu nào sai thì đầu mối đó chịu. Còn trường hợp các mẫu đều đạt chất lượng thì kiểm tra bồn tét cây xăng mà bẩn thì cây xăng phải chịu trách nhiệm” - DN phân tích.
Do vậy, nhiều DN kinh doanh xăng dầu cho rằng, cần phải bỏ quy định cửa hàng bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một thương nhân phân phối, hoặc thương nhân đầu mối. Bởi làm như vậy mới tạo ra sự cạnh tranh giữa các đầu mối, thương nhân phân phối, đảm bảo sự ổn định của nguồn cung xăng dầu.