Góc nhìn của một luật sư về đề thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư

(PLO)-  Luật sư cho rằng đề thi chưa đầy đủ dữ kiện để định tội danh, khiến người thi khó thể hiện kỹ năng và kiến thức pháp luật để viện dẫn điều luật, lập luận biện hộ trong luận cứ bào chữa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan tới những tranh cãi về đáp án của đề thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, PLO giới thiệu một góc nhìn khác về nội dung đề thi của LS Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM).

Tình huống đề thi gây tranh cãi về tội danh “Giết người” hay “Cố ý gây thương tích hậu quả làm chết người”.

Đối với tội danh “Giết người”, trong thực tiễn thường hay “đụng” với cấu thành của các tội danh khác như: Cố ý gây thương tích và hậu quả làm chết người, Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, Vô ý làm chết người…

Đối với tội “Giết người” trong tình huống đề thi, nhiều yếu tố cấu thành rõ nhưng dữ liệu đề bài cho thấy khó xác định yếu tố lỗi, là yếu tố liên quan tới ý thức tước đoạt mạng sống ông Báu của bị can Nguyễn Cường.

Cụ thể, tình huống cho thấy “lỗi giết người” không thuộc trường hợp cố ý trực tiếp (cố thực hiện hành vi tước đoạt mạng sống nạn nhân cho bằng được).

Do vậy, nếu không chứng minh được lỗi “cố ý gián tiếp” thì không thể cáo buộc Cường phạm tội “giết người” trong trường hợp này mà chỉ có thể thuộc trường hợp Cố ý gây thương tích, hậu quả làm chết người (như đáp án) bởi Cường đã có hành vi đuổi theo đâm ông Báu , sau khi ông này chống cự thì đâm thêm nhiều nhát bằng dao.

Giết người với lỗi “cố ý gián tiếp” là trường hợp một người nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Muốn xác định có lỗi “cố ý gián tiếp” trong trường hợp đề thi đã ra thì cần phải có thêm tình tiết để xác định rõ có hay không việc bị can Nguyễn Cường có nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, hậu quả chết người có thể xảy ra cho ông Báu. Các tình tiết đó chẳng hạn như: Cường tháo ni – lông nhét miệng cho ông Báu để ông Báu kêu người cấp cứu trước khi tẩu thoát, hoặc lời khai có nội dung nhận thức hậu quả đưa vào đề thi…

Tôi cho rằng đối với đề thi, không nên đưa thiếu tình tiết làm cho người thi không thể nào định rõ được tội danh.

Ngoài ra, đề thi không có dữ liệu cho biết nạn nhận được đưa tới bệnh viện bao lâu thì tử vong mà chỉ cho biết “Ông Báu được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng chết vào sáng ngày 3-1-2018”, tức nạn nhân khi đưa tới bệnh viện vẫn còn sống và bị đa chấn thương, chết do mất máu.

Một điều ít ai để ý là chết do “mất máu không hồi phục” rất khó xảy ra nếu bệnh nhân đang ở bệnh viện. Nếu ông Báu được đưa tới bệnh viện cấp cứu mà nhiều tiếng đồng hồ sau mới tử vong do “mất máu không hồi phục” thì cần xem xét lỗi làm cho nạn nhân chết là do đâu.

Cho nên, đề thi không đưa các tình tiết để làm rõ hai vấn đề “Bị can có nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, hậu quả chết người có thể xảy ra hay không” và “Nạn nhân được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong bao lâu mới chết do mất máu không hồi phục”, thì không thể có đáp án tội danh “Giết người” theo điểm e khoản 1 Điều 123 BLHS, cũng như không thể có đáp án tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với hậu quả chết người theo điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS.

Trong thực tế, luật sư bào chữa trường hợp này sẽ đề nghị làm rõ hai vấn đề như đã nói ở trên, trường hợp hồ sơ chưa làm rõ thì quan điểm trong luận cứ bào chữa của luật sư sẽ là yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Tôi cho rằng, trong khuôn khổ đề thi về kỹ năng luật sư đối với án hình sự, người ra đề cần đưa vào đề đủ tình tiết để người thi đủ yếu tố xác định được tội danh. Nếu ý đồ người ra đề không đưa đủ tình tiết, thì đáp án phải là “Trả hồ sơ điều tra bổ sung”.

Theo tôi, vì đề thiếu tình tiết làm cho người thi khó thể hiện kỹ năng và kiến thức pháp luật để viện dẫn điều luật, để lập luận biện hộ trong luận cứ bào chữa.

LS TRẦN ĐÌNH DŨNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm