Kế hoạch đưa ra bốn tình huống cụ thể khi có dịch.
Tình huống 1: Chưa có trường hợp bệnh trên người.
Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh cúm A/H7N9 đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam hoặc xuất hiện tại cộng đồng để xử lý triệt để, tránh lây lan.
Một điểm bán gia cầm sống trái phép trên địa bàn huyện Bình Chánh (TP.HCM). Ảnh: TRẦN NGỌC
Tình huống 2: Có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên người nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người.
Khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch từ động vật sang người hoặc từ người sang người.
Tình huống 3: Phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ.
Đáp ứng nhanh khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.
Tình huống 4: Dịch bùng phát ra cộng đồng.
Giảm thiểu tác động của dịch đối với cuộc sống người dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh cúm A/H7N9. Tuy nhiên nguy cơ dịch có thể thâm nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam rất cao. Bên cạnh đó, khả năng bùng phát thành dịch sẽ xảy ra nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.
Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM cũng đã ban hành kế hoạch phòng, chống cúm gia cầm trên địa bàn. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế phát hiện hoặc nghi ngờ trường hợp mắc bệnh cúm gia cầm thì báo ngay cho Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM theo số điện thoại 0938060869.