LTS: Cả người dân lẫn doanh nghiệpđều cho biết họ đang khát nguồn vốn giá rẻ trầm trọng nhưng rất khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, nếu vay được thì lãi suất rất cao. Trong khi đó, các gói vay hỗ trợ 40.000 tỉ đồng và 120.000 tỉ đồng vẫnách tắc.
Trong tình thế cấp bách hiện nay, phải khơi thông ngay các gói ưu đãi bởi dòng tiền được ví như “dòng máu” của doanh nghiệp. Khơi thông dòng vốn giá rẻ được xem là liều thuốc tối ưu không chỉ cho doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì đà tăng trưởng và phục hồi nền kinh tế.
Tháng 5-2022, Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo đó, gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tổng giá trị 40.000 tỉ đồng đã được triển khai
Gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng được triển khai từ tháng 5-2022 nhưng đến nay vẫn ách tắc. |
Vào thời điểm đó, gói tín dụng này được kỳ vọng sẽ là bệ phóng giúp DN nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch. Thế nhưng sau hơn một năm triển khai, các DN vẫn chưa được thụ hưởng chính sách này dù đang khát nguồn vốn giá rẻ.
Lý do khó tiếp cận gói vay
Phó tổng giám đốc một DN trong lĩnh vực thực phẩm cho biết: Để tiếp cận gói vay này, DN phải cung cấp hồ sơ, thông tin về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, nếu cần các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vào làm việc, đây là điều ít DN nào muốn.
Một giám đốc công ty may chia sẻ thêm: Vào cuối năm ngoái, đơn hàng xuất khẩu bất ngờ rơi thẳng đứng, giảm tới 70% so với cùng kỳ khiến nhiều DN trong lĩnh vực này không kịp trở tay. Trong khi đó, chi phí đầu vào vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến gánh nặng chi phí của DN rất lớn. Nếu được hỗ trợ mức vay lãi suất 2%/năm là giúp DN rất nhiều để vượt qua giai đoạn khó khăn.
“Ngay khi chính sách này triển khai, tôi lập tức liên lạc với ngân hàng mà công ty đang có hợp đồng vay, song chỉ nhận được câu trả lời là: Ngân hàng chưa nhận được các hướng dẫn cụ thể nên không thể hỗ trợ. Khi nào có hướng dẫn cụ thể sẽ gọi thông báo cho DN. Trong suốt sáu tháng cuối năm 2022, tôi đã bốn lần liên hệ với ngân hàng để hỏi về thủ tục, quy trình của gói này nhưng lần nào cũng nhận được câu trả lời như trên” - vị giám đốc nói.
Nhiều bất cập, khó khả thi
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nhận định: “Ngay từ đầu gói 40.000 tỉ đồng đã có những bất cập, khó khả thi. Thứ nhất, do DN đủ điều kiện vay nhưng bị sụt giảm đơn hàng, hàng tồn kho tăng dẫn đến họ không có nhu cầu vay vốn. Thứ hai, một số DN có đơn hàng nhưng lại không đủ điều kiện vay, bởi một trong những điều kiện ngặt nghèo nhất là “phải có khả năng phục hồi”.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng vẫn chưa tiếp cận được gói vay hỗ trợ 2%. |
Ông Thịnh cho rằng bản chất gói hỗ trợ lãi suất này hướng tới các DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh đang gặp khó khăn nhưng phải “có khả năng phục hồi”. Tuy nhiên, cả ngân hàng thương mại và DN đều rất khó xác định thế nào là “có khả năng phục hồi”. Bởi khi thẩm định hồ sơ vay của khách hàng, các ngân hàng chỉ có thể đánh giá được khả năng trả nợ ra sao và đây là nút thắt khiến cho gói hỗ trợ này rất khó thực hiện.
“Thứ ba, DN đủ điều kiện vay lại từ chối vay vì đây là vốn ngân sách nên thủ tục giấy tờ, chứng minh việc sử dụng tiền hỗ trợ hợp pháp, hợp lý rất mất thời gian, phức tạp. Không chỉ DN mà tổ chức tín dụng cũng e ngại việc thanh tra, kiểm tra” - ông Thịnh phân tích.
Về phía ngân hàng, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank, cho biết: Có những DN đúng đối tượng lại không có đủ hồ sơ, chứng từ. Chẳng hạn, không xuất được hóa đơn VAT để chứng minh mục đích sử dụng vốn; khách hàng là hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thì không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; phương án kinh doanh không khả thi...
“Hơn nữa, nhiều DN kinh doanh đa ngành nghề nên việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất và chứng từ chứng minh đồng vốn ngân sách được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất là rất khó” - ông Vượng nói.
Chính sách còn nhiều nút thắt
Một số lãnh đạo ngân hàng khác cho biết thêm một trong những điều kiện để được hỗ trợ lãi suất theo quy định của Nghị định 31 là khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi. Tuy nhiên, đây là khái niệm rất mơ hồ, gây khó khăn, rủi ro cho cả ngân hàng và khách hàng trong quá trình thanh tra, kiểm tra sau này.
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú thông tin: Để triển khai gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022, NHNN đã sớm ban hành Thông tư 03/2022 hướng dẫn thực hiện Nghị định 31, tổ chức rất nhiều hội nghị để phổ biến, thống nhất triển khai chính sách.
NHNN đã trăn trở, tìm mọi cách để triển khai gói hỗ trợ một cách tốt hơn. Bản thân các ngân hàng thương mại cũng tích cực vào cuộc, truyền thông rộng rãi gói hỗ trợ đến đối tượng thụ hưởng qua nhiều kênh khác nhau, tổ chức hàng loạt hội nghị kết nối ngân hàng, DN.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, đánh giá: Tính đến thời điểm hiện tại, trong số 44 ngân hàng thương mại được thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất có 32 ngân hàng đã phát sinh số tiền hỗ trợ lãi suất.
Theo bà Giang, dù toàn ngành ngân hàng đã rất tích cực triển khai chính sách này nhưng kết quả giải ngân của gói hỗ trợ lãi suất 2% vẫn chưa được như kỳ vọng. Điều này đến từ nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như bối cảnh kinh tế - xã hội hiện đã có nhiều thay đổi so với khi xây dựng chương trình, khách hàng không đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất.
Vì vậy, căn cứ vào thực tế triển khai, các ngân hàng thương mại đã dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất trong năm 2023 là khoảng 2.435 tỉ đồng, song khả năng đạt được mục tiêu này là khó.
Hệ thống ngân hàng đang đẩy mạnh giải ngân
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết gói hỗ trợ mới giải ngân 409 tỉ đồng (hơn 1%), đây là con số khá khiêm tốn so với tổng quy mô của chương trình dù toàn ngành ngân hàng đã vào cuộc tích cực.
Nhiều ngân hàng với trách nhiệm rất cao, tuy chưa giải ngân được nhiều nhưng triển khai quyết liệt thể hiện trách nhiệm với xã hội.
Điển hình, tại Ngân hàng Agribank, số liệu cập nhật đến ngày 18-5 cho thấy ngân hàng này đã hỗ trợ 879 khách hàng, doanh số cho vay đạt 9.500 tỉ đồng, dư nợ hỗ trợ đạt 4.800 tỉ đồng, số tiền hỗ trợ là 44 tỉ đồng.
Lãnh đạo Ngân hàng VietinBank cho biết: Tính tới thời điểm hiện nay có 96/155 chi nhánh của ngân hàng triển khai chương trình, cho 224 khách hàng vay, quy mô dư nợ là 12.300 tỉ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 96 tỉ đồng.
Còn tại BIDV, tính đến ngày 30-4 vừa qua, ngân hàng hỗ trợ 98 khách hàng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt 4.960 tỉ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 52,2 tỉ đồng.
Các ngân hàng vẫn đang nỗ lực giải ngân gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng. Ảnh: T.LINH |