Gia cảnh tôi lúc đó ngặt nghèo đến nỗi căn nhà lá cất xong 2 năm không có tiền làm cửa, cứ để cho gió tết lạnh buốt lùa từ nhà trước ra nhà sau. Gần tết Ba tôi cứ nằm thở dài và suy nghĩ nát óc vẫn không tìm đâu ra tiền trả khoản nợ 10 giạ lúa mà ông mượn của cháu.
Những năm đó tôi làm phóng viên cho tờ báo Minh Hải (cũ), lương ba cọc ba đồng, không đủ nuôi thân thành ra không giúp ích gì được gia đình. 28 tết năm đó tôi về thấy nhà cửa trống hoang, chái bếp lạnh tanh không có mùi tết. Thế là tôi ứa nước mắt nhớ đến xốn xang những người phụ nữ của gia đình. Mọi năm giờ này là cả nhà chộn rộn chuẩn bị ăn tết. Má tôi thì đi cắt dây, lá chuối đem phơi rồi sau đó thì đi gói bánh dần đổi công từ nhà này đến nhà khác. Tôi thì lo bẻ dừa rám vỏ xuống cho chế Hai và sau này là em gái tôi lột ra, xắt cơm dừa để sên mứt dừa. Năm nào nhà tôi cũng tát cái đìa ở đầu đất, cá lớn thì đem bán xài tết, cá nhỏ thì làm khô, rộng lại để ăn tết. Cả nhà làm quây quần cật lực cho việc giặt giũ, sửa sang, trang hoàng nhà cửa vậy mà vui, mà nôn tết đến nức lòng. Cái chái bếp do chị Hai tôi làm chủ và sau này là em gái tôi cứ rộn rã tiếng cười nói của đám con gái làng khi họ xúm xít nướng bánh bông lan, bánh kẹp hay sên mứt dừa. Họ cứ tụ họp, xách nguyên liệu đến cùng nhau làm bánh mứt cho nhiều gia đình.
Gói bánh, nướng bánh tết là cái nếp sinh hoạt của làng tôi có từ nhiều đời. Làng tôi xưa nghèo lắm. Đất đai nhiễm phèn mặn, năng suất lúa 7 - 8 giạ một công đã là trúng. Dân làng lại không có nghề nghiệp gì khác, một năm mười hai tháng, hai mùa mưa nắng đi qua, dân làng cũng chỉ có việc ruộng nương và cắm câu giăng lưới kiếm sống. Cả xóm không thấy một căn nhà tường, toàn là nhà lá chụm đầu ven một con sông. Cuối năm kết thúc vụ mùa chỉ đủ cái ăn, nếu có thêm đình đám giỗ chạp là phải chạy vạy mướt mồ hôi. Thế cho nên lối sống của người làng tôi là tự túc, tự cấp, ít khi nào đi chợ mua sắm. Mà có mua thì cũng chỉ mua những thứ tối cần thiết như dầu lửa, xà bông, nước mắm..., những thứ còn lại của đời sống thì phải tự làm lấy mà ăn. Ví như bánh để ăn tết, cúng cơm là người ta tự làm. Thật lạ lùng là chẳng ai được đi học làm bánh, vậy mà tất cả phụ nữ làng tôi đều làm bánh rất ngon. Từ bánh ít, bánh tét đến bánh dừa, bánh bông lan; từ bánh kẹp, bánh thuẩn luôn cả bánh bò, bánh da lợn...
Tất cả cũng từ cái cuộc sống tự túc, tự cấp mà ra cả. Không làm thì không có tiền mua, đã không mua thì lấy gì cúng kiếng? Thế là ai cũng phải làm. Ở xóm có một gia đình cưới hỏi hoặc giỗ chạp là người làng đến giúp nhau. Mấy bà già đi gói bánh, nướng bánh thì dẫn con gái theo, lớn lên nghiễm nhiên các cô gái được đào luyện rất kỹ nên giỏi nghề gói bánh, nướng bánh. Hơn nữa, người làng tôi xem việc làm bánh khéo, bánh ngon là một thứ nết na đức hạnh của người phụ nữ.
Giờ đây những người phụ nữ của gia đình tôi kẻ mất người đi xa, lấy ai gói bánh, nướng bánh ? Vào những dịp như thế mới thấy họ quan trọng đến dường nào. Thiếu họ cái nhà như lạnh tanh. Hóa ra họ chính là ngọn lửa sưởi ấm cái hồn của ngôi nhà chúng ta. Tôi đang như gà mắc tóc, không biết xử lý thế nào cho cái tết năm 1985 thì đã nghe ngoài ngõ rộn rã tiếng nói cười của đám con gái, trong đó có mấy đứa cháu của tôi : con Tươi, con Thắm... rồi mấy đứa em con nhà hàng xóm. Lại có hai bà già là dì ba Kiên và chế Sáu tôi. Họ đến vì muốn chia sẻ hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi. Họ vào nhà hàng xóm tự nhiên như vào nhà mình. Họ lấy soong, chảo rồi bày nguyên liệu ra. Kẻ nổi lửa người gói bánh, nhóm con gái thì nướng bánh. Chỉ một buổi làm là nhà tôi có bánh cúng ông bà. Tôi thì vui vì gỡ được cái rối, còn ba tôi thì tủi tủi, mắt ông ngân ngấn nước.
Theo Phan Trung Nghĩa (Người Đô Thị)