Gói kích thích kinh tế gần 844.000 tỉ phải trúng đích để tạo sức bật

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa đề xuất gói hỗ trợ phục hồi kinh tế gần 844.000 tỉ đồng, thời gian thực hiện chủ yếu trong giai đoạn 2022-2023. Trong đó tập trung vào một số giải pháp như giảm chi phí, giãn, hoãn nghĩa vụ tài chính, tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN); hỗ trợ an sinh xã hội.

Doanh nghiệp nào cũng khát vốn

Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh DN, người dân gặp khó khăn vì đại dịch thì việc tung ra gói hỗ trợ là cần thiết. Bởi tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN trong lúc khó khăn cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai.

Nhiều ý kiến đề xuất cần có các gói hỗ trợ lãi suất cho vay, gia hạn việc trả nợ cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Ảnh: T.LINH

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, thông tin: Sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội, các DN đã mở cửa hoạt động trở lại. Tuy nhiên, cộng đồng DN đang gặp rất nhiều khó khăn do chi phí cho phòng chống dịch, xét nghiệm rất lớn; nguyên vật liệu đầu vào, nhân công, chi phí vận chuyển… tăng cao.

Những yếu tố này khiến giá thành sản phẩm cao nhưng nhà sản xuất, kinh doanh lại không dám tăng giá bán vì lo mất khách hàng. Thậm chí có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa dám mở cửa hoặc hoạt động cầm chừng để giữ lao động và đảm bảo các đơn hàng đã ký với đối tác.

Đặc biệt, ở thời điểm hiện nay, hàng loạt DN nhỏ và vừa gần như đã cạn kiệt nguồn tài chính, vốn tích lũy cũng đã sử dụng hết. Chính vì vậy họ chưa dám quay lại sản xuất, kinh doanh nên thà nằm im còn hơn mở cửa mà lỗ nặng.

“Thực tế, nhiều DN nhỏ đang cố gắng cựa quậy, xoay xở để sản xuất, kinh doanh nhưng cái khó nhất vẫn là tài chính không có. Bởi nếu các công ty lớn khi gặp khó khăn vẫn có thể vay ngân hàng được thì với những DN nhỏ, mà nhất là các đơn vị đã suy kiệt thì tiếp cận vốn vay là điều vô cùng khó. Vì vậy việc có gói hỗ trợ như bù lãi suất, miễn, giảm thuế… lúc này giống như phao cứu sinh với họ. Nhưng gói hỗ trợ cần phải thực hiện nhanh, khả thi, hiệu quả… chứ không thể cứ bàn mãi mà chưa đến DN” - ông Hưng nhấn mạnh.

Đại diện một công ty du lịch cũng bày tỏ mong muốn được hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi để có thể hồi sinh lại. “Trong bối cảnh kinh tế đang suy thoái thì bất kỳ quốc gia nào cũng sử dụng gói kích thích kinh tế để hỗ trợ DN, người dân để họ gượng dậy. Với Việt Nam, quy mô gói kích thích kinh tế so với GDP còn tương đối thấp so với các nước trong khu vực.

Do đó, Chính phủ cần có các gói hỗ trợ lãi suất cho vay, gia hạn việc trả nợ gốc và vay cho DN để họ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn. Vì nếu DN phá sản hàng loạt thì thất thu ngân sách, nhiều người mất việc làm và gây ra các bất cập trong an sinh xã hội. Song điều quan trọng là gói hỗ trợ phải khả thi, dễ áp dụng vào thực tế.

Không thể hỗ trợ tràn lan

Cho rằng gói kích thích kinh tế đưa ra lúc này là cần thiết nhưng TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, lưu ý những bài học kinh nghiệm từ gói kích thích kinh tế giai đoạn 2008-2009 đã để lại một số hậu quả đến nay vẫn chưa xử lý xong. Chẳng hạn một số chương trình hỗ trợ lãi suất đến thời điểm này vẫn chưa thể quyết toán được.

“Do đó, để gói hỗ trợ phát huy tác dụng thì khi thực hiện các cơ chế như bù lãi suất vấn đề quan trọng nhất là phải xác định DN nào cần được cấp bù. Thứ hai là họ sử dụng đồng vốn mới được phân bổ có hiệu quả không. Muốn làm được như vậy thì phải có kế hoạch cụ thể, có kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có chế tài rõ ràng, nghiêm minh chứ không đề ra một giải pháp chung chung” - ông Long khuyến nghị.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý nguồn lực của Việt Nam có hạn, do đó gói hỗ trợ phải được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. DN được thụ hưởng phải có khả năng hồi sinh, làm ăn có hiệu quả, từ đó giải quyết vấn đề công ăn việc làm, chính sách an sinh xã hội, nộp thuế…, qua đó tạo sức bật cho nền kinh tế. Nguồn lực mỏng thì không thể hỗ trợ tràn lan, cào bằng, đổ tiền vào những nơi làm ăn kém hiệu quả, thiếu tính khả thi. Làm như vậy khác nào “ném tiền qua cửa sổ”.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, đề xuất: Trước khi triển khai gói hỗ trợ mới cần rà soát mức thực chi các gói hỗ trợ cũ để có số liệu tổng thể nhằm đưa ra gói kích thích kinh tế chuẩn xác hơn. Bên cạnh đó, cần có cơ chế cho vay với cả DN thiếu tài sản bảo đảm nhưng có triển vọng phục hồi.

Ông cũng đề xuất cơ quan hữu trách có thể tính toán để giảm khoảng 0,5%-1% lãi suất cho vay trong năm 2022 và duy trì ổn định trong năm 2023. Theo đó có thể sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở, áp dụng tỉ lệ dự trữ bắt buộc phù hợp… để hỗ trợ các tổ chức tín dụng duy trì lãi suất ở mức thấp nhằm hỗ trợ DN và người dân.•

 

Hỗ trợ tiền thuê nhà, giảm các loại thuế

TS Cấn Văn Lực đề xuất Nhà nước cần tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, giảm phí BHXH; giảm thuế, phí trước bạ ô tô trong nước; bảo lãnh vay vốn cho DN nhỏ và vừa, gói hỗ trợ lãi suất. Cùng với đó là ứng trước các chi phí như tiền lương, phòng chống dịch cho DN nhỏ và vừa.

Ngoài ra, triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại bốn vùng kinh tế trọng điểm, hỗ trợ đào tạo nghề. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ DN chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm