Dĩ nhiên cả phương thức thi cử. Tuy năm học vừa qua việc thi cử, tuyển sinh đã có một vài thay đổi nhưng vẫn có gì chưa ổn, chưa làm yên lòng các em học sinh, tân sinh viên, lẫn các bậc cha mẹ học sinh. Tôi không dám lạm bàn chuyện cải cách giáo dục bởi đó là công việc của các nhà hoạch định chính sách. Ở phạm vi một bài viết nhỏ, tôi xin góp ý về câu chuyện văn hóa có liên quan tới phạm trù giáo dục. Đó là cụm từ “phụ huynh học sinh” đã có từ thời phong kiến với tư tưởng chủ đạo Khổng Mạnh trọng nam khinh nữ.
Người phụ nữ trong xã hội phong kiến không có quyền gì cả, chỉ có “quyền” phục tùng, phải “tam tòng tứ đức”. “Tứ đức”: Công - Dung - Ngôn - Hạnh thì tốt thôi; nhưng “Tam tòng”:“Tại gia tòng phụ - Xuất giá tòng phu - Phu tử tòng tử”(Khi còn ở nhà thì phục tùng cha, khi lấy chồng phải phục tùng chồng, khi chồng chết thì phải nghe lời con trai). Cái tư tưởng ấy quá lạc hậu, không thể chấp nhận trong xã hội ngày nay. Thế mà mấy chục năm từ sau cách mạng thành công, thành lập chế độ Dân chủ Cộng hòa đến nay cụm từ “phụ huynh học sinh” vẫn tiếp tục được sử dụng! “Phụ huynh” - tức là “cha, anh”. Thế còn NGƯỜI MẸ (tôi nhấn mạnh) ở đâu? Người mẹ quanh năm không quản nắng mưa “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” kiếm từng hạt lúa, “thân cò” lặn lội mò cua bắt ốc kiếm miếng ăn nuôi con khôn lớn; hoặc những người mẹ trong nhà máy, công trường; với quang gánh trên lưng len lỏi từ hẻm sâu, ngõ nhỏ ở các thành phố buôn bán kiếm đồng bạc nuôi con ăn học, sao lại không được nhắc đến?
Môi trường giáo dục là nơi ươm mầm ý tưởng của trẻ. Các cháu thường xuyên nghe thầy cô nói (và đọc trong các thư mời họp) cụm từ “phụ huynh học sinh”. Ngay cả tên gọi các “Hội Phụ huynh học sinh” nữa cũng đã vô tình ươm vào đầu óc non nớt của các cháu chỉ coi trọng Cha, Anh mà ít nhớ đến công ơn to lớn của Mẹ. Mặc dù có một số trường trước đây có lúc cũng gọi tên “Hội Cha mẹ học sinh” nhưng không phổ biến.
Việt Nam là quốc gia đề cao nam nữ bình quyền, có tỉ lệ phụ nữ tham chính cao nhất, nhì thế giới (cả chủ tịch và phó chủ tịch thường trực Quốc hội hiện nay và các phó chủ tịch nước gần đây đều là phụ nữ). Ở nước ta ngoài ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 còn có ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 hằng năm. Việt Nam coi nam nữ bình quyền là quốc sách. Vì vậy nhân đầu năm học mới với nhiều thay đổi về giáo dục, tôi tha thiết đề nghị Bộ GD&ĐT hãy ban hành văn bản chính thức về tên gọi Hội CHA MẸ học sinh thay thế triệt để Hội Phụ huynh học sinh hiện nay, trả lại đúng vị trí NGƯỜI MẸ một cách trang trọng nhất trong tâm thức học sinh và trong triết lý giáo dục mới, nhằm rũ bỏ dứt khoát tư tưởng phong kiến “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu vào tâm thức người Việt từ bao đời nay.