Sáng 9-5, chương trình khởi động, hưởng ứng hoạt động “Tháng Công nhân lần thứ 16 và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024” do Công đoàn Viên chức TP.HCM tổ chức đã được diễn ra tại Nhà Văn hoá Lao động Khu công nghệ cao.
Chương trình tổ chức nhằm tuyên dương tập thể, cá nhân học tập và làm theo Bác, gương “Người tốt việc tốt” năm 2024; gương “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; trao tặng quà cho công nhân, người lao động trong Chương trình “Cảm ơn Người lao động” năm 2024.
Đồng thời, chương trình còn tổ chức “Đối thoại tháng 5” năm 2024 với chủ đề "Dự thảo Luật Công đoàn và Luật Việc làm với doanh nghiệp, người lao động hiện nay” được đông đảo công nhân và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
Chủ tọa điều hành chương trình đối thoại gồm có ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM; ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa xã hội Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND TP.HCM; ông Lương Tuấn Anh, Chủ tịch Công đoàn Viên chức TP.HCM.
Mở đầu hội nghị, ông La Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức TP.HCM cho biết dự thảo Luật Công đoàn và Luật Việc làm là những văn bản luật quan trọng có tác động lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt là quyền lợi của người lao động.
“Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức TP.HCM rất mong muốn thông qua hội nghị góp ý Luật Việc làm và Luật Công đoàn, các Công đoàn cơ sở và các doanh nghiệp có đông công nhân lao động sẽ có nhiều ý kiến góp ý sát sao, phù hợp với tình hình thực tiễn…” - ông Tuấn nói.
Nêu ý kiến đầu tiên, ông Phạm Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn Pháp luật Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho rằng sau thời gian triển khai thực hiện, Luật Công đoàn 2012 đã xuất hiện các yêu cầu đòi hỏi cần phải được tiếp tục hoàn thiện. Tương tự, Luật Việc làm 2013 cũng đã bộc lộ một số bất cập trong thực tế như: đào tạo, giới thiệu việc làm, trợ cấp thất nghiệp…
Trong phần góp ý của mình, ông Hiền nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn lần này phải làm cho tổ chức Công đoàn có quyền năng cao hơn, luật phát huy và tăng cường vai trò của cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong công tác xây dựng quan hệ lao động, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động…
Đại diện Công đoàn Cơ sở Viện Kiểm sát TP.HCM cũng góp ý kiến, trong dự thảo cần tập trung nghiên cứu và quy định về thời gian làm việc của học sinh - sinh viên, về bảo hiểm thất nghiệp, về giao kết hợp đồng lao động, kiến nghị điều chỉnh một số khái niệm về có hay không có việc làm, thất nghiệp hay không thất nghiệp; những ảnh hưởng của thị trường, thiên tai, dịch bệnh, suy thoái kinh tế...
Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH Nidec Việt Nam cho rằng cần phải chỉ ra điểm khác biệt giữa Luật hiện hành và dự thảo luật. Đồng thời, trong cả hai dự thảo một số giải thích từ ngữ cần được xem lại, đặc biệt phần mở rộng tham gia bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn thiếu các đối tượng khu vực phi kết cấu…
Bà Nguyễn Thị Thanh Trang, Chủ tịch Công đoàn báo Pháp Luật TP.HCM, cũng góp ý cho dự thảo Luật Việc làm tại Điều 30 về việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên.
Theo bà Trang, học sinh, sinh viên đủ độ tuổi lao động theo quy định được làm việc nhưng không quá 20 giờ trong 1 tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ trong 1 tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động...
“Dự thảo Luật Công đoàn theo tôi cần quy định cụ thể, rõ ràng về vấn đề đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn; quyền lợi và nghĩa vụ của đoàn viên công đoàn; quản lý tài chính của công đoàn; tham gia giải quyết tranh chấp lao động” - bà Trang nói.