Góp ý hướng dẫn 'được hưởng tình tiết giảm nhẹ vì trộm cắp nhưng chỉ lấy được 5 triệu đồng' của TAND Tối cao

(PLO)- Việc quy định “trộm cắp tài sản nhưng chỉ lấy được 5 triệu đồng” là tình tiết giảm nhẹ phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn là chưa phù hợp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 51 và Điều 52 của BLHS 2015 về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Trong đó, dự thảo nêu tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 của BLHS, là trường hợp đã thực hiện toàn bộ hành vi khách quan nhưng chưa xảy ra bất cứ hậu quả nào của tội phạm hoặc có thiệt hại xảy ra nhưng giá trị thiệt hại không như mức bình thường của khung hình phạt đó và việc chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn phải nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội, không có bất cứ tác động nào của người phạm tội đối với hậu quả của tội phạm.

Một trong những ví dụ được minh họa là "trộm cắp tài sản nhưng chỉ lấy được 5 triệu đồng".

tinh-tiet-giam-nhe.jpg
Một nhóm trộm phá cửa, đột nhập vào căn nhà lấy tài sản. Ảnh: PLO

Hiện nay, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại Điều 51, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại Điều 52. Sự xuất hiện của các tình tiết này sẽ có ý nghĩa trong việc phân hóa trách nhiệm hình sự, làm cho người phạm tội được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc phải gánh chịu trách nhiệm hình sự nặng nề hơn so với các trường hợp phạm tội thông thường.

Điều 173 BLHS quy định người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì bị truy cứu về tội trộm cắp tài sản. Điều luật này cũng căn cứ vào giá trị tài sản trộm cắp để phân chia thành các khung hình phạt khác nhau.

Cụ thể nếu trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm; nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Như vậy, đối với tội trộm cắp tài sản, giá trị tài sản trộm cắp đang được nhà làm luật sử dụng để làm tình tiết định tội và định khung hình phạt đối với người phạm tội. Khi xét xử về tội danh này trong thực tế, HĐXX sẽ cân nhắc vào giá trị tài sản chiếm đoạt để lượng hình phù hợp.

Cạnh đó, tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự phải là các tình tiết độc lập, tách bạch hoàn toàn với các tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt.

Nguyên tắc áp dụng các tình tiết này đã được thể hiện rõ tại khoản 3 Điều 51 và khoản 2 Điều 52 BLHS như sau: “Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt”; “Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng”.

Vì vậy, việc dự thảo quy định “trộm cắp tài sản nhưng chỉ lấy được 5 triệu đồng” là tình tiết giảm nhẹ "phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 của BLHS để được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với tội trộm cắp tài sản là chưa phù hợp và cần xem xét lại một cách thấu đáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm