Ngày 11-11, Bí thư Trung ương Đảng - Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội thảo góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII.
Bóng dáng của tư pháp rất ít
Phần viết riêng về tư pháp trong dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XIII đang lấy ý kiến có nội dung khá ngắn gọn.
Cụ thể: Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Xây dựng và thực hiện chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn mới theo hướng tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND, VKSND, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức khác tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các loại tranh chấp, khiếu kiện theo luật định; phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật.
Hội thảo góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII phần riêng về tư pháp. Ảnh: NN
GS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết ông đặc biệt quan tâm tới dự thảo báo cáo chính trị. Đây là văn kiện mà yêu cầu đặt ra là thể hiện cô đọng, đầy đủ nhất các nội dung của thể chế, trong đó có một mục riêng về xây dựng nhà nước pháp quyền.
Tuy nhiên, theo ông Lý, dự thảo chưa đi sâu giải quyết các vấn đề của nhà nước pháp quyền đặt trong yêu cầu giai đoạn mới, trong đó có thực hiện nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực.
Trong mục về nhà nước pháp quyền thì tư pháp là một phần riêng, đặt sau các phần về lập pháp, hành pháp. Về nội dung này, GS Lý nhận xét: “Tôi thấy dự thảo nêu ra yêu cầu cho nhiệm kỳ tới chưa rõ. Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp thì thấy ta mới làm được một bước thôi. Vai trò của tòa án được nâng lên nhưng vẫn chưa có vị trí xứng đáng.
Nhiều nội dung, nhiệm vụ, yêu cầu cải cách tư pháp thì có vẻ như mỗi lần họp ban chỉ đạo thì ta lại hoãn thực hiện một điểm, một yêu cầu nào đó. Tới dự thảo văn kiện thì bóng dáng của tư pháp rất ít, hầu như nghiêng về phát triển kinh tế là nhiều”.
Phải thúc đẩy cải cách tư pháp
PGS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng phần tư pháp trong dự thảo báo cáo chính trị chưa sắc nét và thiếu định hướng về nội dung. Ông đề nghị qua văn kiện Đại hội XIII, “Đảng phải bật đèn xanh ở tầm vĩ mô để các cơ quan làm, nếu không sẽ rất khó”.
Kết quả lớn nhất đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 49 theo các đại biểu là sự thay đổi về nhận thức của cả hệ thống chính trị về vai trò của tư pháp. Trong đó, Hiến pháp 2013 khẳng định tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp.
Dù có Nghị quyết 49, có Hiến pháp 2013 thì vẫn còn nhiều tranh luận về khái niệm “cơ quan hoạt động tư pháp”. Để chấm dứt những thảo luận, theo ông Liên, Đại hội XIII nên khẳng định tư pháp là xét xử thì mới xác lập được trọng tâm của cải cách tư pháp những năm tiếp theo.
Ông Liên nói: “Đã khẳng định nhà nước ta là nhà nước pháp quyền thì không còn cách nào khác phải bảo đảm độc lập tư pháp. Nhà nước pháp quyền là nhà nước được xây dựng và hoạt động trên cơ sở những nguyên tắc pháp quyền, mà một trong số đó là bảo đảm tính độc lập tư pháp. Tư pháp độc lập với các nhánh quyền lực khác, độc lập giữa các cấp xét xử độc lập, độc lập giữa các thẩm phán với nhau”.
Nghe các chuyên gia đề cập tới độc lập tư pháp, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói: “Tôi nghe các giáo sư, tiến sĩ phát biểu rất tâm đắc. Nhưng qua thực tế ở diễn đàn Quốc hội, tôi nhận được các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội tại sao lại xử thế này, tại sao lại xử thế kia. Luật thì quy định không được can thiệp vào quá trình tố tụng nhưng bao nhiêu năm nay, có đại biểu đã tuyên ngay trên diễn đàn Quốc hội rồi…”.
Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Đặng Quang Phương cho rằng dự thảo chưa khẳng định được quyết tâm tiếp tục thúc đẩy cải cách tư pháp giai đoạn tới. Ông đề nghị bổ sung vào dự thảo cụm từ “kế thừa thành quả của cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị”, cùng với đó là thêm từ khóa cho nguyên tắc “độc lập xét xử” và khẳng định một lần nữa thành quả của Hiến pháp 2013 - “tòa án thực hiện quyền tư pháp”.
Cần nhấn mạnh độc lập tư pháp Khi phát biểu ở MTTQ, tôi đã hỏi có ai hoàn toàn tin tưởng và chắc chắn tòa án, thẩm phán mang lại công lý đầy đủ, tối đa cho người dân? Câu trả lời phụ thuộc vào nhiều thứ nhưng có hai điều liên quan đến thực tế hoạt động của tòa. Thứ nhất, quá trình soạn thảo Luật Tổ chức tòa án, chúng tôi được mời đến và góp ý rất nhiều nhưng hầu như không được ghi nhận. Cụ thể, chúng tôi kiến nghị bổ nhiệm suốt đời hoặc bổ nhiệm thời hạn dài hơn đối với thẩm phán để bảo đảm tính độc lập của thẩm phán. Chúng tôi thực hiện khảo sát thông qua phỏng vấn thì hầu như không có vấn đề gì về độc lập tư pháp. Tuy nhiên, khảo sát định lượng qua phiếu không cần ghi họ tên thì kết quả cho thấy thẩm phán rất khó độc lập trong xét xử. Thứ hai, tôi theo dõi một vụ án, khi xử xong tôi gọi điện thoại cho thẩm phán là học trò của mình hỏi sao em lại xử như thế, vì chỉ bảo vệ chính quyền thôi chứ không có công lý cho người dân. Học trò nói: “Thầy ơi, thầy dạy em, thầy biết rằng em không dốt như thế. Em đã mất ngủ hai đêm liền sau khi xử xong…”. Như vậy có nghĩa là qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 49, chúng ta vẫn chưa đạt được độc lập tư pháp hay nói cách khác là độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật. Muốn thoát khỏi việc đó và Đại hội Đảng lần thứ XIII này có tạo dấu ấn thì tôi nghĩ các dự thảo và các văn kiện cần phải nhấn mạnh tới yếu tố “độc lập tư pháp”. Tòa án là một thiết chế không thể thiếu trong nhà nước pháp quyền nhưng phải hoàn toàn độc lập chứ không nên như công cụ của cơ quan hành pháp. Độc lập trong xét xử và chỉ tuân theo pháp luật phải là điểm nhấn của cải cách và của báo cáo chính trị này. Đọc câu dài 105 chữ về vấn đề cải cách tư pháp, tôi không nhìn ra được ở đâu là định hướng, không thấy được mục tiêu và giải pháp cho tương lai… Mong muốn của cá nhân tôi là ban soạn thảo tìm cách thể hiện thế nào để cải cách tư pháp hoặc quyền tư pháp có trọng tâm duy nhất chỉ tập trung vào tòa án, tìm mọi cách để làm cho tòa án độc lập. Còn các thiết chế khác như điều tra, thi hành án, bổ trợ tư pháp… thuộc bên hành pháp. GS-TS LÊ HỒNG HẠNH, nguyên Viện trưởng Tiếp thu nhiều góp ý Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết ông được giao trực tiếp chấp bút phần về tư pháp. “Ban đầu tôi viết hai trang nhưng tới dự thảo còn một trang, rồi dần dần cắt gọn. Trước khi phát hành ra công chúng, tôi thấy cắt nhiều quá…”. Nay được các chuyên gia đầu ngành tư pháp góp ý trực tiếp, ông đồng tình với các đề xuất và cho biết sẽ có văn bản báo cáo với tiểu ban văn kiện để hoàn thiện dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII. Ông Bình tóm tắt phần tiếp thu của mình như sau: “Nguyên tắc đầu tiên là tôn trọng dự thảo đã được Bộ Chính trị thông qua. Tiếp theo là chính xác một số thuật ngữ và một số nội dung. Ví dụ: Chỉ nói “tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam” thì cụt, vậy thêm đoạn “kế thừa và phát huy thành quả cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng…” thì trọn vẹn hơn. Bổ sung một số vấn đề rất quan trọng, thống nhất với hiến pháp và các nghị quyết của Đảng đã ban hành, là căn cốt của nền tư pháp. Ví dụ: Câu cũ là: “Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND, VKSND, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan tổ chức khác”, thì sửa lại là: “Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND - cơ quan thực hiện quyền tư pháp và các cơ quan tham gia hoạt động tư pháp…”. Một ý nữa các giáo sư gợi ý rất nhiều là “độc lập” thì có thể kiến nghị thêm một câu: “Thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tư pháp tiến bộ: Độc lập, tuân theo pháp luật, công khai, minh bạch, tranh tụng, suy đoán vô tội…”. |