Vừa bước chân lên đảo, chúng tôi bị bao vây bởi những tài xế xe lam, taxi và hàng rong. Giá dịch vụ của các loại xe chở khách ở đây đều cao hơn đất liền. Tài xế giải thích xăng dầu đưa từ đất liền ra nên giá cao hơn. Tuy nhiên, xe chạy được chừng nửa đường thì chúng tôi phải bỏ cuộc vì nắng và bụi xây dựng từ các công trình nhà cao tầng, bến cảng du lịch. Một điểm nữa mà du khách muốn góp ý là từ tàu lên cảng chưa có cầu thang, khách phải bước hoặc nhảy lên bờ, điều này hết sức nguy hiểm với các em nhỏ.
Thời gian qua đảo Lý Sơn được ví như thỏi nam châm thu hút du khách cả nước tìm đến. Những hoạt động văn hóa, lễ hội liên quan giữ gìn biển, đảo của người xưa và hôm nay đã gieo tình cảm đẹp trong lòng người Việt về Lý Sơn. Cùng với số lượng du khách gia tăng, chúng tôi cảm nhận kinh tế của một vùng biển đảo heo hút ngày nào giờ đã thay đổi rất nhanh. Những tàu cá chở du khách ngày trước nay được thay bằng hàng chục tàu tốc hành hiện đại.
Tốc độ xây dựng khách sạn, quán ăn cũng cuốn theo như cơn lốc. Tuy nhiên, người ta lo ngại tại những nơi này nhiều hàng quán mọc lên thiếu kiểm soát sẽ góp phần không nhỏ vào việc tàn phá môi trường. Nếu quy hoạch chưa tới nơi tới chốn có thể đưa Lý Sơn đến thảm họa kép: Môi trường thiên nhiên bị hủy hoại và ngành du lịch non trẻ chết yểu.
Nhiều nhà cao tầng che khuất vẻ đẹp tự nhiên, thoáng đãng của Lý Sơn. Ảnh: QA
Ông Nguyễn Thanh, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, thừa nhận có các tòa nhà, khách sạn cao che khuất tầm nhìn là nằm ở cảng cá. Huyện đã nhìn thấy vấn đề này và đã quy hoạch toàn huyện tỉ lệ 1/2.000, trong đó đang xây dựng cảng du lịch nằm tách rời cảng cá. “Lúc đó du khách đến đảo sẽ thấy không gian thoáng đãng” - ông Thanh nói. Về tình trạng tài xế, hàng rong chèo kéo khách chỉ mới phát sinh gần đây, huyện ghi nhận và sẽ có biện pháp chấn chỉnh. Ông Thanh cũng thú nhận tình trạng bụi xây dựng vì huyện đang làm đường giao thông quanh đảo. “Do tình trạng phát triển quá nhanh nên phát sinh bụi, chúng tôi hứa sẽ khắc phục” - ông Thanh khẳng định.
Tại cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) - cửa ngõ ra đảo Lý Sơn, chúng tôi cũng thấy rác nổi từng mảng trên mặt nước, bám quanh các con tàu, quanh nhà các hộ dân ven cảng. Rác đã làm giảm đi vẻ đẹp trong lòng du khách. Phản ánh với ông Lê Tấn Hải, Giám đốc cảng Sa Kỳ, ông Hải cho rằng công tác giữ vệ sinh môi trường của cảng khá tốt. Ông Hải nói nếu có du khách phản ánh rác ở cảng thì đề nghị gửi ảnh cho ông xem để xử lý.
Rất mong Lý Sơn cần chú trọng quy hoạch để phát triển du lịch bền vững. Cơ hội tốt như hôm nay là không nhiều, Lý Sơn nếu biết nắm lấy thì cơ hội phát triển vùng đảo xanh sẽ không xa.