Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết hiện Chính phủ đang triển khai Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu (CSDL) liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. Nhiệm vụ trước mắt từ đây đến cuối năm sẽ rà soát tất cả giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư, đánh giá xem giấy tờ nào cần giữ, giấy tờ nào có thể cắt giảm. Từ 1-1-2016 sẽ bắt đầu triển khai cấp số định danh cho công dân, đồng thời nhập thông tin vào CSDL quốc gia về dân cư. Đến năm 2020, khi có bộ CSDL hoàn chỉnh trên toàn quốc sẽ bước sang phương thức quản lý mới, thẻ công dân điện tử sẽ được ứng dụng để giảm giấy tờ công dân trong nhiều sinh hoạt thiết yếu.
“Với việc triển khai đề án Chính phủ giao, chúng tôi thấy vô cùng trăn trở. Nếu chỉ dùng kiến thức quản lý xã hội thôi thì chưa đủ. Chúng tôi mong muốn đưa ứng dụng toán học vào quản lý, để hệ thống mã số cấp ra bảo đảm được sự bền vững lâu dài và ổn định” - ông Cường nói.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (phải) tiếp giáo sư Ngô Bảo Châu. Ảnh: ĐỨC MINH
Đáp lại, GS Ngô Bảo Châu cho hay ông và Viện Nghiên cứu cao cấp về toán đã nhận được lời mời phối hợp từ một số bộ, ngành khác. Tuy nhiên, “đơn đặt hàng” từ phía Bộ Tư pháp, theo nghiên cứu và đánh giá ban đầu của giáo sư là mang tính khả thi cao nhất.
Trước mắt, GS Ngô Bảo Châu đề nghị cần sớm tổ chức một cuộc hội thảo giữa các nhà toán học và nhà quản lý, tại đó các nhà khoa học sẽ lắng nghe, đặt câu hỏi để làm rõ hơn về các yêu cầu. Kế đó, nhóm nghiên cứu sẽ nghiên cứu kinh nghiệm thế giới, tìm và lựa chọn ra hai mô hình về tổng quan phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam. Sau đó mô hình được lựa chọn sẽ phải bảo đảm đủ các điều kiện: Thứ nhất, các địa phương cùng triển khai việc cấp mã số định danh công dân nhưng không bị trùng số; thứ hai, việc nhập dữ liệu có thể xảy ra sai sót, do vậy phải có cơ chế tự kiểm tra, phát hiện báo có sai sót ngay lập tức, không để những sai sót lưu lại trong hệ thống; thứ ba là dự kiến về cấu trúc dữ liệu để vừa bảo đảm tính ổn định lâu dài, vừa tiết kiệm tài nguyên nhất có thể.
“Cụ thể đơn giản nhất là độ dài mã số thế nào là phù hợp, ổn định trong thời gian dài nhưng lại không gây lãng phí tài nguyên. Lãng phí ngay từ việc lưu trữ cho đến việc nhập dữ liệu. Rõ ràng 10 con số sẽ nhập nhanh hơn 12 con số rồi” - GS Châu nói.
ĐỨC MINH